Sức tiêu thụ tăng mạnh
Thông tin từ các hệ thống siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội cho thấy, những ngày gần đây lượng tiêu thụ bếp từ đã tăng mạnh.
Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị điện máy Pico Nguyễn Quang Đức cho biết, nếu như trước đây, mỗi tháng siêu thị chỉ bán được từ 10-20 chiếc bếp từ, nhưng sau khi gas tăng giá lên đến 500.000 đồng/bình 12kg, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng bếp từ nên sức tiêu mặt hàng này đã tăng gấp 3 lần so với tháng 10/2021.
Sức tiêu thụ bếp từ tăng “nóng” theo giá gas
Chị Nguyễn Thu Huệ ở đường Lương Đình Của (quận Đống Đa) cho biết, hiện giá gas đã cao gần bằng giá điện thì dùng bếp từ vừa tiện lại đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; mặt khác sử dụng bếp từ cũng thuận lợi hơn trong việc vệ sinh. “Hiện giá bán bếp từ không quá đắt, phù hợp với mọi đối tượng sử dụng, vì vậy tôi quyết định dùng bếp từ song song với bếp gas để tiết kiệm chi phí”- chị Huệ nói.
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội như Pico, Nguyễn Kim, Mediamart cho thấy, thị trường có khá nhiều thương hiệu, mẫu mã bếp từ như Midea, TCL, LG, GOLDSUN, SUNHOUSE.... Giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một sản phẩm.
Để kích cầu tiêu dùng một số siêu thị điện máy như Pico, Media Mart, HC còn tổ chức chương trình khuyến mại giảm giá lên đến 50%. Cụ thể sản phẩm bếp từ đôi kết hợp hồng ngoại GOLDSUN 3500W giảm 39% từ 3,5 triệu đồng xuống còn 2,1 triệu đồng; bếp từ - hồng ngoại đôi SUNHOUSE 4000W giảm từ 3,2 triệu đồng xuống còn 2,6 triệu đồng; bếp từ đôi CHEF’S 3400W cũng giảm 40%, từ 8,9 triệu đồng xuống còn 5,4 triệu đồng. Không chỉ bếp đôi, các loại bếp đơn cũng giảm giá mạnh. Tại siêu thị Media Mart giảm giá 45% cho sản phẩm bếp điện từ Midea 2100W từ 1 triệu đồng xuống còn 599.000 đồng; bếp điện từ đa năng COEX 2000W giảm 48%, chỉ còn 890.000 đồng/chiếc và tặng kèm nổi lẩu; bếp hồng ngoại cảm ứng Sunhouse 2000W cũng giảm 42%, xuống còn 749.000 đồng/chiếc…
Cần quản lý giá gas như mặt hàng xăng dầu
Có nên quản lý giá gas như mặt hàng xăng dầu
Việc gas liên tục tăng giá bán sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI những tháng cuối năm, vì vậy nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi Bộ Công Thương có nên quản lý giá gas giống như mặt hàng xăng dầu ?.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, nguyên nhân khiến gas liên tục tăng là do 60% nguồn gas trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu nên bị chi phối bởi giá gas thế giới. Trong khi nhu cầu sử dụng gas sưởi ấm mùa đông khu vực các nước châu Âu đang tăng mạnh, nhưng hiện sản lượng khai thác khí chỉ đạt 70% so với trước đó nên nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra chi phí logistics đã tăng 5 - 6 lần so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 xuất hiện cũng là nguyên nhân khiến giá gas thế giới tăng cao.
Mặc dù giá bán mặt hàng gas đang tăng mạnh nhưng cơ quan chức năng không thể điều hành, bởi Luật Giá đã quy định mặt hàng gas hiện không chịu sử quản lý giá của cơ quan chức năng mà được điều hành theo thị trường. Doanh nghiệp kinh doanh gas chỉ cần kê khai giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trong những lần điều chỉnh giá bán. “Mặt hàng gas điều hành theo giá thị trường thế giới nên cơ quan chức năng không thể thực hiện chương trình bình ổn giá như xăng dầu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.