Kết quả này phản ánh nỗ lực của các DN sản xuất trong việc đẩy mạnh kết nối với nhà bán lẻ nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất.
Thông tin từ hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thời gian qua để kích cầu tiêu dùng, các siêu thị đã kết hợp với nhà sản xuất liên tục tổ chức chương trình giảm giá như thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân và các HTX với chiết khấu 0%; tuần lễ nông sản địa phương, kết nối tiêu thụ nông sản; tuần lễ OCOP... qua đó gia tăng về lượng hàng Việt trong hệ thống bán lẻ.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị AEON Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Thực tế cho thấy giữa bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu, hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ đang dần “chuyển mình” bằng cách đẩy mạnh các mặt hàng Việt Nam chất lượng không thua kém hàng ngoại nhưng giá cả phải chăng để cạnh tranh với các mặt hàng ngoại có giá cao hơn. Ngoài ra, một số siêu thị còn trực tiếp sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu của mình với chiến lược giá tốt hơn để người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn.
Đơn cử, tại siêu thị Winmart và chuỗi cửa hàng Winmart+, mặt hàng thực phẩm sống, thực phẩm khô, nước giặt, giấy ăn... mang thương hiệu riêng của siêu thị có chất lượng tương đương với các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường nhưng có mức giá tốt hơn nhờ tiết kiệm được một số chi phí sản xuất, trung gian và quảng cáo. Để kích thích tiêu dùng các sản phẩm đều được siêu thị Winmart chạy chương trình khuyến mãi riêng và độc quyền cho hội viên của Winmart.
Thông tin về việc cần Nhà nước hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ để DN khai thác, tuy nhiên không chỉ sản phẩm quần áo hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng cuối cùng mới được coi là hàng Việt Nam mà chuỗi cung ứng dệt may còn rất nhiều sản phẩm như sợi vải, may mặc… cũng cần được tính là hàng Việt Nam nếu được sản xuất bởi DN Việt, với nguyên liệu từ Việt Nam. “Do đó, Nhà nước cần chính sách thuế khuyến khích DN từ khâu sản xuất nguyên phụ liệu đến sản xuất sản phẩm cuối cùng” - ông Trương Văn Cẩm kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN như: giảm thuế và các khoản phí, lệ phí khác; cải thiện thủ tục đầu tư, giảm phiền hà, chống những hiện tượng tiêu cực, gây khó cho sản xuất, kinh doanh…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã, đang triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền về hàng Việt, đồng thời rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ…
Thông tin về việc hỗ trợ DN sản xuất, bán lẻ xây dựng các chương trình kích cầu, giảm giá sản phẩm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, TP Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng.
Theo đó, chương trình khuyến mại tập trung năm 2024 được tổ chức vào các tháng 5, tháng 7, tháng 11. Mức giảm giá, khuyến mại trong các chương trình này có thể lên tới 100%. Sự kiện sẽ thu hút từ 1.000 - 2.000 DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia.
Dấu hiệu nhận diện chương trình sẽ được triển khai trên toàn bộ hệ thống DN đồng hành, các điểm bán hàng tham gia sự kiện với mức giảm giá từ 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại. Sự kiện được triển khai trên toàn TP với 800 - 1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại với các chương trình giảm giá lên tới 100%.