Từ lâu, đoạn đầu đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) được xem là "thủ phủ" của món cá lóc nướng ở TP Hồ Chí Minh. Trải dài hơn 1km, đoạn đường này có đến hơn 20 hộ bán cá lóc nướng hoạt động nhộn nhịp mỗi ngày. Đặc biệt, vào các dịp lễ Tết, rất nhiều người dân trên địa bàn TP thường đến đây để mua cá lóc nướng, đông nhất là dịp vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng).
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, từ sáng sớm 31/1, đoạn đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) tấp nập kẻ bán, người mua cá lóc nướng về cúng Thần tài.
Một suất cá lóc nướng hoàn chỉnh gồm cá nướng, rau thơm, bánh tráng, nước chấm… được bán với giá khoảng 180.000 - 220.000 đồng, tùy cá lớn nhỏ.
Chị Phạm Thị Thu Trang - chủ một cửa hàng bán cá lóc nướng tại đây cho biết: “Để phục vụ số lượng lớn người mua trong ngày vía Thần tài, gia đình đã chuẩn bị 3.500 con cá lóc từ ngày 30/1 để bán cho khách. Giá mỗi con cá lóc 180.000 - 200.000 đồng. Hôm nay, gia đình huy động hết con cháu trong nhà để làm cá và nướng cá bán cho khách”.
Cạnh đó, anh Phan Văn Trung - chủ cửa hàng bán cá lóc nướng khác cũng trên đường Tân Kỳ - Tân Quý cho biết, năm nay lượng người mua cá lóc nướng nhiều hơn năm ngoái, từ sáng đến giờ anh đã bán được gần 2 tấn cá lóc nướng. "Dự kiến ngày hôm nay cửa hàng của tôi sẽ bán được khoảng 3,5 tấn cá lóc nướng (khoảng 3.500 con)" - anh Phạm Văn Trung phấn khởi.
Tuy nhiên, nổi tiếng nhất "thủ phủ" cá lóc nướng này phải kể đến lò cá Cúc Bụi với 3 gian cá lóc nướng nằm ở mặt tiền đường Tân Kỳ - Tân Quý.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Thọ - chủ cơ sở cá lóc nướng Cúc Bụi cho biết, lò cá nướng Cúc Bụi của gia đình ông, nổi tiếng lâu đời nhất trên đường Tân Kỳ - Tân Quý.
"Truyền thống làm cá này khoảng 17 năm rồi, ngày thường người mua cũng nhiều, nhưng nhiều nhất vẫn là ngày vía Thần Tài" - ông Lê Văn Thọ nói.
Phục vụ ngày vía Thần Tài năm nay, lò cá của ông Thọ tiêu thụ khoảng 5 tấn cá lóc, huy động hơn 30 nhân công làm việc xuyên đêm.
“Để có một mùa cá lóc nướng bội thu kéo dài xuyên suốt từ ngày 23 Âm lịch năm Nhâm Dần đến ngày mùng 10 Tết năm Quý Mão, lò cá nướng Cúc Bụi phải chuẩn bị khoảng 1 tháng trước đó. Từ giai đoạn đặt mua cá, huy động người làm và phân chia các công việc sao cho vào guồng” – ông Lê Văn Thọ nói thêm.
Ngoài đường Tân Kỳ - Tân Quý, theo ghi nhận, tại đường Bình Tây (phường 1, quận 6, TP Hồ Chí Minh), cũng có nhiều hộ dân tranh thủ nướng cá lóc để bán trong ngày vía Thần Tài dù không đông đúc như "thủ phủ" cá lóc nướng.
Theo ghi nhận, từ 3- 4 giờ sáng một số hộ gia đình đã dậy sớm nhóm than, thổi lửa nướng cá lóc, chuẩn bị cho một ngày buôn bán bận rộn. Theo đó, giá 1kg cá lóc nướng ở đây dao động từ 150.000 – 180.000 đồng, tùy người bán: “Giá cá sống mua vào khoảng 55.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình tôi nướng bán được khoảng 100kg” – bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nhà 99/3 Bình Tây cho biết.
Cũng trên đường Bình Tây, cứ vào ngày vía Thần Tài, chị Nguyễn Thị Mười Một, nhà trong hẻm 99 Bình Tây, mua khoảng 100kg cá Lóc từ chợ đầu mối Bình Điền đem về nướng bán: “Tôi chỉ bán đúng 1 ngày rồi nghỉ, sang năm sau đúng ngày này lại nướng cá bán cho bà con” – chị Mười Một chia sẻ.
Tương tự, cũng trong sáng nay 31/1, người dân Bình Dương đổ xô đi cá lóc nướng về cúng vía Thần Tài, cầu một năm làm ăn may mắn, nhiều tài lộc. Các điểm bán cá lóc nướng, tại chợ Thủ Dầu Một tập nập người mua.
Tại chợ Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhiều điểm bán cá lóc nướng đều tấp nập khách, thậm chí chờ rất lâu mới tới lượt mua.
Chú Khoa - chủ tiệp các lóc nướng tại chợ Thủ Dầu Một cho biết, sáng nay vợ chồng anh nướng 100kg cá lóc nhưng đến 9 giờ sáng đã bán gấn hết.
Lễ vật cúng vía Thần Tài khác nhau tùy từng vùng, miền. Với người dân Nam Bộ, lễ cúng Thần Tài trong ngày này ngoài hoa quả, trầu cau, vàng mã, bộ tam sên (thịt leo quay hoặc luộc, tôm luộc, trứng vịt luộc),...thì không thể thiếu cá lóc nướng, gia đình khá giả hơn hoặc các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp còn cúng thêm vàng. Tất cả lễ vật này cúng lên Thần Tài cầu một năm nhiều tài lộc, nhiều may mắn, ít rủi ro...
Trong tín ngưỡng dân gian, Thần Tài là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền của, tài lộc cho gia chủ. Vị thần này sẽ mang lại nhiều may mắn, giúp cho công việc làm ăn của gia chủ trong năm sẽ được tiến hành một cách thuận lợi, ít gặp trở ngại.
Phong tục cúng vía Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng xuất xứ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Từ đó tới nay ngày vía Thần Tài được xem là một trong những ngày quan trọng, là nét văn hóa tâm linh, tính ngưỡng không thể thiếu với đa phần người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền.