Trước thực tế đó, nhiều ý kiến, kiến nghị tăng phụ cấp trực cho nhân viên y tế, đặc biệt ở trạm y tế (TYT) xã nhằm bảo đảm thu nhập và cuộc sống.
Kiến nghị tăng tiền trực cho nhân viên y tế
Sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang đã kiến nghị Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ sửa đổi quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch theo hướng nâng phụ cấp tiền trực, tiền ăn cho cán bộ TYT xã.
Bác sĩ Trạm Y tế phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm khám cho trẻ. Ảnh: Thanh Bình
Phản ánh vấn đề này, cử tri tỉnh Hà Giang nêu rõ, hiện chế độ phụ cấp trực thấp, không bảo đảm cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, tiền trực ngày thường của nhân viên TYT xã hiện 18.750 đồng/đêm, ngày cuối tuần là 32.500 đồng, còn tiền ăn 15.000 đồng/đêm. Vì vậy, cử tri kiến nghị tăng phụ cấp tiền trực, tiền ăn ngày thường cho nhân viên y tế, đặc biệt ở TYT xã từ 18.000 đồng lên 100.000 đồng/đêm; ngày cuối tuần lên 150.000 đồng/đêm; ngày nghỉ lễ tăng từ 45.000 đồng lên 200.000 đồng/đêm; hỗ trợ tiền ăn ngày cuối tuần và nghỉ lễ từ 15.000 đồng lên 150.000 đồng/ngày nhằm bảo đảm thu nhập.
Ngoài ra, phụ cấp cho nhân viên y tế nói chung hiện ở mức thấp, cử tri kiến nghị tăng. Hơn 12 năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh thêm 8 lần, nhưng các chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng. Nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc cường độ cao trong thời gian kéo dài, trong khi lương và phụ cấp chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.
Là cán bộ có 34 năm gắn bó với nghề, Phó Trạm trưởng phụ trách TYT xã Di Trạch, huyện Hoài Đức Nguyễn Đình Hùng chia sẻ, dù công việc ở tuyến y tế cơ sở vất vả, thu nhập thấp nhưng nhiều năm nay, 9 cán bộ, nhân viên y tế vẫn bám trụ để chăm sóc sức khỏe Nhân dân. “Trực đêm tại TYT có y bác sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về độ tuổi ngừng trực, ở những nơi thiếu nhân lực, bác sĩ nhiều tuổi, có bệnh nền vẫn phải tham gia trực rất vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nên, với chúng tôi, mọi đề xuất tăng phụ cấp, dù là nhỏ nhưng rất quý giá” - ông Hùng bày tỏ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Nguyên nhân được Bộ Y tế đưa ra là áp lực công việc, thu nhập thấp, áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, áp lực của xã hội, gia đình, người thân và mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn.
Hy vọng đề xuất sớm được thông qua
Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về phụ cấp theo nghề mới và Quyết định sửa đổi, bổ sung về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Dự thảo sẽ được gửi xin ý kiến các bộ ngành, địa phương để hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11/2024. Theo đề xuất mới nhất của Bộ Y tế, mức phụ cấp người lao động tham gia ca trực 24 giờ của bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt sẽ tăng thêm 210.000 đồng; phẫu thuật viên chính của ca mổ loại đặc biệt hưởng phụ cấp 790.000 đồng, gấp 2,8 lần hiện nay.
Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác. Cũng theo Bộ Y tế, hiện các mức phụ cấp: thường trực, phẫu thuật, thủ thuật, chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng được áp dụng tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ với mức lương cơ sở là 830.000 đồng. Sau 13 năm, lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng (tăng 182%). Như vậy, mức phụ cấp theo Quyết định 73 được Bộ Y tế đánh giá là "quá thấp và không còn phù hợp" với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.
So với ngành nghề khác, mức tiền trực ngoài giờ của ngành y rất thấp, một đêm trực nhân viên y tế nhận 115.000 đồng. Trong khi đó, một bác sĩ học 6 năm ra trường và học thêm 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề. Thậm chí, nhiều người có thời gian học kéo dài chục năm. Bác sĩ Phạm Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai |
Theo quy định mới nhất, để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ phải dành tới 6 năm học đại học y khoa và mất ít nhất 12 tháng thực hành. Trong khi, cả một ngày đêm trực vất vả, bác sĩ tại bệnh viện hạng I hay đặc biệt (như bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, T.Ư Thái Nguyên, T.Ư Huế, Chợ Rẫy...) chỉ nhận được 115.000 đồng. Một ca trực đêm 12 giờ của bác sĩ bệnh viện hạng III (thường là tuyến huyện) chỉ nhận hơn 30.000 đồng, chưa đủ mua một bát phở theo thời giá hiện tại.
Theo đại diện lãnh đạo một số bệnh viện, chế độ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật được thực hiện hơn 10 năm trước hiện không còn phù hợp. Đơn cử, một ca mổ đặc biệt thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 - 10 giờ như phẫu thuật tim, ghép tạng... vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.
Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho rằng, nhiều năm qua, Công đoàn ngành Y tế đã đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên y tế và đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm hiện thực đề xuất này. Công đoàn Y tế Việt Nam mong muốn, việc tăng phụ cấp sẽ giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân viên y tế. Đây là sự ghi nhận và khích lệ họ tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là trong bối cảnh công việc của họ ngày càng đòi hỏi sự hy sinh và tận tâm.
Sự đồng lòng và mong mỏi từ cả cán bộ y tế và công đoàn cho thấy, tính cấp thiết của đề xuất tăng phụ cấp này. Với mức sống ngày càng cao và áp lực công việc ngày càng lớn, các cán bộ y tế hy vọng, đề xuất sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất, giúp cải thiện đời sống của những người đang tận tụy với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
So với chi phí sinh hoạt hiện nay, chế độ phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công lập khá thấp. Nếu đề xuất tăng phụ cấp được thông qua, đời sống của nhân viên y tế sẽ được cải thiện đáng kể và chúng tôi mong điều này sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, Chính phủ nên sử dụng, bảo đảm chi từ nguồn ngân sách Nhà nước nếu đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên y tế được thông qua. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm Đặng Thị Lan Phương |