Gắn bó với chợ An Đông hơn 40 năm, bà Mã Thái Lan còn nhớ thời điểm năm 1991, khi bà cùng hơn 2.000 tiểu thương tại đây ký bản hợp đồng "Sở hữu quầy sạp".
Bất thường thu phí
Đứng tên hợp đồng là Công ty Việt Hoa, đơn vị đại diện xây dựng chợ và ông Bùi Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND quận 5 khi đó.
Hợp đồng này thể hiện rõ, năm 1991, giá thu phí hoa chi (thu tiền diện tích quầy sạp) 1m2 là 15.000 đồng, tương đương mỗi sạp phải đóng 31.500 đồng/tháng. Số tiền phải đóng trong 20 năm.
Như vậy, tính ra mỗi người phải đóng hơn 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế, bà Lan cho biết mỗi tiểu thương đã đóng 22 triệu đồng, bao gồm cả tiền xây dựng chợ.
Hình ảnh chợ An Đông. |
Hợp đồng này cũng chỉ rõ người sang sạp được miễn đóng tiền hoa chi trong thời gian sang nhượng sạp.
Bà Lan và hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông là những người đầu tiên đóng góp xây dựng chợ kiên cố này.
Theo bà Mã Thái Lan, số tiền 22 triệu vào thời điểm những năm 1990 tương đương 5 cây vàng và có thể mua được một căn nhà mặt tiền lớn.
“Chúng tôi là những người đóng tiền xây dựng chợ từ ban đầu, chẳng lẽ bây giờ chúng tôi lại phải đóng tiền thuê lại diện tích quầy sạp mà chúng tôi đã bỏ tiền xây dựng nên?”, bà Mã Thái Lan bức xúc.
Hơn nữa, tiểu thương chợ An Đông cũng phải đóng nhiều chi phí khác cao hơn hẳn các chợ truyền thống cấp 1 khác.
Cụ thể, trong khi tiền hoa chi chợ Bến Thành là 157.000 đồng/tháng, thì tại chợ An Đông là 200.000 đồng/tháng. Đặc biệt, số tiền này tiểu thương chợ An Đông đã đóng trước đó 20 năm nhưng hàng năm BQL chợ An Đông vẫn tiếp tục thu.
Bên cạnh đó, khoản thu thứ hai là phí vệ sinh chợ Bến Thành chỉ 33.900 đồng/sạp/tháng, trong khi tại chợ An Đông lên tới 130.000 đồng/tháng/sạp. Phí môi trường tại chợ Bến Thành không thu, nhưng chợ An Đông thu 25.000 đồng/sạp/tháng…
Cộng 3 khoản chi phí này thì hàng năm, tiểu thương chợ An Đông đang phải đóng cao hơn các chợ cùng cấp khác tại thành phố hàng chục tỷ đồng.
Trước kiến nghị của tiểu thương chợ An Đông, ngày 11/1, BQL chợ đã phát đi thông báo ngừng thu tiền phí này theo ý kiến chỉ đạo từ UBND TP trong lúc chờ văn bản chính thức.
Ngày 12/7, khi UBND TP chưa có văn bản chính thức, UBND quận 5 chỉ đạo cho BQL chợ tiếp tục thu số tiền phí 200.000 đồng. Trước sự phản ứng kịch liệt của toàn bộ tiểu thương, việc thu tiền đã không thể diễn ra.
Tiểu thương trả tiền trợ cấp thôi việc cho nhân viên BQL chợ
Trong bảng quyết toán thu chi hộ năm 2015, có khoản chi dự phòng trợ cấp thôi việc cho 22 nhân viên vệ sinh với số tiền gần 456 triệu đồng.
Tương tự, số tiền chi dự phòng trợ cấp thôi việc cho 21 nhân viên vệ sinh năm 2016 là hơn 583 triệu đồng.
6 tháng đầu năm 2017, Ban quản lý chợ An Đông lại chi dự phòng tiếp cho 17 nhân viên vệ sinh chợ gần 425 triệu đồng.
Như vậy, trong hai năm rưỡi qua, BQL chợ An Đông đã chi dự phòng trợ cấp thôi việc gần 1,5 tỷ đồng.
Các bảng quyết toán này cũng ghi rõ số tiền chi trợ cấp thôi việc cho nhân viên trong gần 5 năm qua gần 279 triệu đồng. Cụ thể, năm 2012 chi cho 4 nhân viên thôi việc gần 84 triệu đồng. Năm 2014 trợ cấp thôi việc cho một nhân viên hơn 20 triệu đồng. Năm 2016 trợ cấp cho một nhân viên gần 21 triệu đồng. Và năm 2017 đã chi trợ cấp thôi việc cho 5 nhân viên tổng cộng hơn 154 triệu đồng.
“Mỗi tháng chúng tôi đều đã đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn, lương, trợ cấp ngoài giờ, độc hại… cho các nhân viên này. Tại sao lại lấy tiền thu chi thay của tiểu thương chi trả số tiền quá lớn này?”, tiểu thương Thùy Trang nêu câu hỏi.
Các khoản thu tiền điện, nước của BQL chợ cũng khiến các tiểu thương bức xúc. “Chợ An Đông có 2.500 quầy sạp và chỉ có 50 sạp ăn uống là có sử dụng nước, vậy mà Ban quan lý mỗi năm trả tiền nước 800 triệu đồng chẵn. Chúng tôi hỏi thì Phó ban quản lý trả lời tiền nước này là để tưới cây xung quanh chợ và lau chợ”, bà Nga nói.
Cũng theo các tiểu thương, năm 2014, BQL chợ đã tự ý chi 210 triệu đồng lắp đặt cửa xếp inox, hàng rào kéo trước trung tâm nhưng chỉ sử dụng được 2 năm thì hư hỏng.
Năm 2015, BQL chợ tự ý chi 140 triệu đồng mua các thanh chắn xe và bây giờ những thanh này cũng hư hỏng, bỏ nằm lăn lóc dưới tầng hầm chợ.
Tháng 2/2017, BQL chợ tự ý đầu tư 32 loa phục vụ cho phòng karaoke của trung tâm thương mại với tổng giá tiền lên tới 200 triệu đồng… “Có rất nhiều khoản thu - chi vô lý, khi chúng tôi phản ứng đều nhận được những phản hồi không thỏa đáng từ ban quản lý chợ”, bà Thu Trang cho hay.
Điện lực báo giá 680 triệu, BQL chợ nói mức 2 tỷ đồng
Sau nhiều phản ánh, kiến nghị của bà con tiểu thương chợ An Đông, tháng 11/2016, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 đã chỉ đạo BQL chợ gắn đồng hồ điện cho tiểu thương vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, đến nay, việc gắn đồng hồ điện vẫn chưa được thực hiện.
“Tiểu thương chúng tôi đã trực tiếp đến văn phòng Điện lực Chợ Lớn làm việc. Tại đây, Điện lực Chợ Lớn cho biết trung bình một đồng hồ điện kế là 300.000 đồng và các khoản phụ kiện đi kèm khoảng thêm 100.000 đồng nữa. Chợ An Đông gắn 1.700 đồng hồ điện sẽ tốn khoảng 680 triệu đồng.
Trong khi đó, trưởng ban quản lý chợ lại khẳng định với chúng tôi việc gắn đồng hồ điện cho toàn chợ lên tới 2 tỷ đồng nên phải chờ đấu thầu”, ông Hùng, một tiểu thương trong chợ, bức xúc.
Hơn nữa, dù đã đóng phí vệ sinh, môi trường hàng tháng, hàng ngày, tiểu thương và nhân viên của quầy đi vệ sinh, rửa mặt đều phải đóng 2000 đồng/ lần.
“Nếu tính chợ gồm 2.000 tiểu thương, cộng 4.000 nhân viên và 1.000 khách vãng lai mỗi ngày thì mỗi năm số tiền chúng tôi đóng cho đi vệ sinh cũng lên tới hơn 5 tỷ đồng. Số tiền đó ai quản lý, sử dụng ra sao?”, tiểu thương Thái Trang đặt câu hỏi.
Xây 4 nhà vệ sinh hết 9 tỷ đồng
Theo phản ánh của tiểu thương, sau khi đóng tiền sửa chữa chợ thì Ban quản lý đã thi công công trình mang tên “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” vào năm 2014. Tuy nhiên thực tế, chỉ 4 nhà vệ sinh được sửa chữa với chi phí lên tới hơn… 9 tỷ đồng.
Đó là chưa kể, trong năm 2014 và 2015 là giai đoạn còn trong thời hạn bảo hành, BQL chợ đã chi cho bảo trì, sửa chữa thiết bị điện, nước của chợ hơn 820 triệu đồng. Năm 2016, chợ tiếp tục chi sửa chữa bảo trì điện nước hơn 303 triệu đồng và trong 6 tháng đầu năm 2017 là hơn 40 triệu đồng.
Tiểu thương đã nhiều lần gửi ý kiến phản ảnh, kiến nghị lên UBND quận 5 và đều bị thất hứa.
Sau cuộc bãi thị sáng 19/9, các tiểu thương đã đồng loạt kéo lên UBND TP.HCM để tiếp tục kiến nghị.
Tiểu thương chợ An Đông bãi thị sáng 19/9/2017 |
Tại buổi tiếp dân tại Văn phòng UBND TP.HCM, lãnh đạo thành phố đã hứa sẽ giải quyết khiếu nại của tiểu thương chợ An Đông trong vòng 10 ngày theo đúng luật định.
“Trước giờ thì chỉ có UBND quận 5 thất hứa chứ thành phố chưa thất hứa. Thành phố hứa rồi thì chúng tôi chờ đợi thôi. Nếu trong vòng 10 ngày không giải quyết thỏa đáng những yêu cầu của tiểu thương chúng tôi thì chúng tôi sẽ ra Hà Nội kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ”, bà Trần Thị Thu Thùy, một trong những đại diện tiểu thương có mặt tại buổi làm việc với Văn phòng UBND TP.HCM, cho hay.