Giờ tốt để cúng vía Thần Tài
Năm Nhâm Dần 2022, ngày vía Thần Tài rơi vào thứ Năm, ngày 10 tháng Giêng (tức ngày Giáp Ngọ, tháng Nhâm Dần, năm Nhâm Dần), tương ứng là ngày 10/2/2022 dương lịch. Theo chuyên gia phong thủy, các khung giờ dưới đây được coi là đẹp, linh thiêng để tiến hành nghi lễ cúng vía Thần Tài năm nay.
Theo quan niệm dân gian, chọn giờ đẹp để cúng vía Thần Tài sẽ mang lại nhiều may mắn, cụ thể nên cúng vào buổi sáng trong khung 7-9 giờ hoặc 11-13 giờ.
Vào giờ Thìn (7-9 giờ), cúng vào giờ này giúp việc khai trương, đầu tư, ký kết hợp đồng được suôn sẻ và gặp nhiều may mắn, đặc biệt khi gia chủ làm ăn minh bạch, tử tế thì sẽ đại cát đại lợi sẽ tăng lên gấp bội.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Nếu cúng vào giờ Ngọ (11-13 giờ) sẽ giúp cho gia chủ có công việc ''thuận buồm xuôi gió'', buôn bán, kinh doanh, thi cử, học hành đều gặp may mắn.
Bên cạnh đó gia chủ cũng cần tránh những khung giờ xấu đặc biệt là những giờ sau:
Giờ Sửu (1-3 giờ), giờ Mùi (13-15 giờ): Không thuận cho việc cầu tài, cầu danh.
Giờ Mão (5-7 giờ), giờ Dậu (17-19 giờ): Cầu tài, cầu lộc khó thành, mưu sự trở nên trắc trở.
Giờ Tỵ (9-11 giờ), giờ Hợi (21-23 giờ): Tài lộc bị cản trở, đường công danh dễ bị tiểu nhân hãm hại.
Những điều kiêng kỵ vào ngày vía Thần Tài
Theo quan niệm dân gian, trong ngày vía Thần Tài, bạn nên tránh làm những việc “đại kỵ” dưới đây :
- Quên tắm tượng Thần Tài và ông Địa: Cần lau sạch bụi bẩn, tẩy uế bằng nước hoa bưởi hoặc nước gừng để làm sạch tượng Thần Tài, ông Địa. Khăn dùng tắm rửa cho tượng không dùng làm việc khác. Sau khi lau tắm rửa 2 tượng sạch sẽ, nên lau khô lại rồi mới bắt đầu làm lễ cúng. Không được để 2 tượng vẫn còn ướt mà tiến hành cúng bái. Bên cạnh đó, bàn thờ và các đồ cúng của Thần Tài nên được lau dọn sạch sẽ, không để nhiễm bụi bẩn.
- Để bàn thờ Thần Tài lộn xộn: Trên bàn thờ, các vật thờ cúng không được để lung tung. Cụ thể, tượng Thần Tài để ở bên trái bàn thờ, bên phải là tượng ông Địa, chính giữa đặt bát nhang. Ba hũ gạo, muối và nước sẽ được đặt chính giữa hai ông cùng với mâm hoa quả ở bên trái, bình hoa ở bên phải.
- Cúng trái cây giả: Hoa cúng Thần Tài không nên dùng đồ giả. Cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt; quả thì chọn loại tươi, ngon.
- Đặt ban thờ ở nơi không sạch: Ban thờ Thần Tài được đặt dưới đất nhưng phải chọn nơi sạch sẽ, trang nghiêm, để hướng ra cửa chính hoặc gần với cửa chính. Tuyệt đối không được đặt bàn thờ Thần Tài ở gần nhà vệ sinh, nhà tắm hay nhà bếp.
- Đại kỵ thỉnh Thần nhập tượng hay thỉnh Thần nhập cốt bát hương đúng ngày vía của Thần: Trong đúng ngày này không nên thỉnh Thần nhập tượng hay thỉnh Thần nhập cốt bát hương. Theo tâm linh cho rằng làm như thế sẽ khiến cho việc làm ăn kém bề suôn sẻ, may mắn đâu không thấy mà có khi còn gặp phải xui xẻo, tai họa bất ngờ.
- Thiếu nghi lễ tiếp nhận Thần Tài: Sau khi cúng Thần Tài, còn cần phải làm nghi lễ tiếp nhận Thần Tài thì mới đủ lệ bộ, đủ điều kiện để đón tài lộc trong năm mới. Theo quan niệm dân gian, sau khi tiếp nhận Thần Tài thì gia chủ thường sẽ đi bộ về phía sau nhà khoảng 3, 8, 13, 18, 23, 28, 33 hoặc 38 bước chân. Điều này tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Không hiểu rõ về nghi lễ cúng Thần Tài mà bỏ qua nghi lễ này là Thần Tài trong năm mới vẫn chưa được đón về nhà, may mắn tài lộc cũng không được suôn sẻ.
- Không nghiêm túc, chỉnh tề: Điều đầu tiên thể hiện sự thành kính của gia chủ khi làm lễ cúng là giữ tâm thành kính, thể hiện qua thái độ nghiêm túc, trang phục nghiêm chỉnh khi dâng lễ. Khi tiến hành lễ cúng Thần Tài, không nên ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm, trang phục phải sạch sẽ, gọn gàng. Theo phong tục dân gian, thái độ kính cẩn, sự thành tâm mới là điều quan trọng nhất trong các lễ cúng thần linh, gia tiên.
- Nói tục, gây gổ, tranh cãi: Không tranh cãi hay nói tục chửi bậy, to tiếng với nhau trong lễ cúng Thần Tài. Thay vào đó, cần giữ hòa khí và sự ôn hòa, vui vẻ.
- Đem lộc cúng vía Thần Tài cho người không cùng huyết thống: Nhiều nhà có thói quen sau khi thắp hương cúng lễ xong xuôi sẽ chia lộc, tán lộc cho người khác. Bình thường làm vậy không sao tuy nhiên riêng vào ngày vía của các Thần Tài mà bản chủ thờ cúng hay ngày Đại lễ thần Tài mùng 10 tháng giêng thì không nên đem lộc cúng cho người không cùng huyết thống.
Theo quan niệm nếu lộc trong ngày này mà chia cho người ngoài (không phải người thân) thì lộc sẽ đi hết ra ngoài. Muối gạo sau khi cúng lễ sẽ được gia chủ cất đi, còn nước thì đứng hắt từ ngoài vào trong nhà mình, ngụ ý lộc tài chỉ đi vào nhà chứ không đi ra, giữ nguyên tài lộc cho gia đình.
(*) Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo!