Cứ vào đầu mỗi năm, những người con xa quê tỉnh Bình Định tha hương tại khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận lại có dịp gặp mặt, ôn lại những ký ức, tình cảm hướng về quê hương, dần dần hoạt động này đã trở thành văn hóa truyền thống của những người con xa quê của tỉnh Bình Định trong 4 năm vừa qua.
“Hoạt động được tổ chức đúng với bản chất, ý nghĩa là ‘ngày hội của người Bình Định’ cả về nội dung và hình thức”, ông Lê Gia Phước, Phó Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Bình Định tại TP.HCM, cho biết. “Các hoạt động diễn ra trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Bình Định. Đó là các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, võ thuật Bình Định - Tây Sơn, tổ chức phục vụ các món ăn và sản vật nổi tiếng của miền đất võ. Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu của người Bình Định tại TP.HCM nhau và với người Bình Định từ quê nhà vào tham dự, cũng như giao lưu của người Bình Định với cộng đồng dân cư ở Sài Gòn, của doanh nhân Bình Định với cộng đồng, với học sinh sinh viên Bình Định…”.
Theo ông Phước, ngoài ý nghĩa là ngày hội của người Bình Định, việc cộng đồng cư dân mọi miền đất nước đang định cư tại TP.HCM đến tham dự, vui chơi, cũng là một dịp để địa phương tỉnh và người Bình Định giới thiệu, đưa các giá trị văn hóa của mình đến với mọi miền.
Hát bài chòi cổ tại Ngày hội người Bình Định tại TP HCM năm 2016.
Chủ đề ngày hội năm nay mang tên “Tự hào người Bình Định”, khai mạc vào 15g ngày 11/2 và kéo dài đến hết ngày 12/2, tại Khu Chợ phiên Nông sản An toàn TP.HCM, số 195 – 197 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP.HCM. Điểm khác biệt là năm nay, sự kiện kéo dài đến 2 ngày. Ở các năm trước, hoạt động chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng đã thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự, vui chơi, thưởng thức các sản phẩm Bình Định.
Tại ngày hội này, người TP.HCM và du khách sẽ được tận mắt xem biểu diễn trống trận Quang Trung, võ Bình Định cổ truyền và võ Tây Sơn. Võ Bình Định là môn võ nổi tiếng không những người trong nước mà được cả thế giới biết đến, ngưỡng mộ và không ngừng nghiên cứu. Khách tham dự sẽ được nghe các làn điệu dân ca Bình Định mà tiêu biểu và đặc sắc nhất là ca bài chòi, gắn với sinh hoạt truyền thống cổ xưa, với việc tái hiện sinh hoạt chơi bài chòi cổ với những chòi lá cất cao và người ta cùng nhau hát đuổi, hát đối đáp, với lời ca tiếng hát mộc mạc.
Cùng với đó ngày hội cũng là nơi người dân Bình Định giới thiệu đến du khách các món ăn đặn sản như bánh ít lá gai, nem chợ Huyện Tuy Phước, rượu Bàu Đá An Nhơn, bánh tráng nước dừa Tam Quan... là những món sản phẩm nổi tiếng cả nước, du khách sẽ được thưởng thức bún tôm Phù Mỹ, bánh dây Hoài Nhơn, dé đắng Tây Sơn, cá chua Phù Cát, trà Gò Loi Hoài Ân. Rượu Bàu Đá say nồng uống một ly là lâng lâng cả buổi khiến hồn ta thanh thoát. Còn trà Gò Loi, chỉ cần một ngụm vào buổi sáng là vị ngọt đọng đến trưa. Trà Gò Loi, loại trà chỉ có ở một vùng đất rất nhỏ thuộc một thôn ở xã Ân Tường huyện Hoài Ân nhưng xứng đáng là danh trà, được yêu chuộng hơn cả trà Thái Nguyên. Năm 1998, nông trường chè Gò Loi giải thể, trà Gò Loi bị gián đoạn một thời gian dài. Và mới đây, dự án phụ hồi loại trà quý hiếm này đã thực hiện thành công, hiện đã bắt đầu có trà đưa ra thị trường dù còn rất ít ỏi. Trà Gò Loi không chỉ là một sản phẩm cây chè bình thường, mà đã trở thành sản phẩm văn hóa, niềm tự hào của người Hoài Ân - Bình Định.
Do thiệt hại ặng nề trong các đợt lũ lụt vừa qua, ngày hội năm nay có sự đóng góp nguồn lực của co em Bình Định sinh sống và làm việc tại TP. HCM san sẽ phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ đề sinh hoạt năm nay là “Tự hào người Bình Định” hoàn toàn không quá mức về bản chất, ý nghĩa và cảm xúc. Truyền thống yêu quê hương, giữ gìn bản sắc Bình Định, cần cù học tập, lao động, khao khát vươn lên làm giàu, là những nét tự hào thực sự.