Rời Hà Nội từ tờ mờ sáng 26/11. Dù các thành viên trong đoàn không xa lạ với các chuyến đi thực tế đến với lính biên phòng, nhưng mỗi lần đi là một lần cảm xúc đầy vơi khác nhau.
Phó TBT Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức (thứ 2 từ trái qua) cùng Đoàn Hội Nhà báo Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với BĐBP Đồn Thường Phước. |
Chuyến đi lần này có 17 thành viên thuộc nhiều cơ quan báo chí Hà Nội. Đúng như nhà báo Đoàn Anh Tuấn (Báo Hànộimới) chia sẻ: “Chuyến thực tế đến với bộ đội biên phòng các tỉnh phía Nam lần này không như những lần trước. Dù địa hình, đường đi không phức tạp như địa bàn trú đóng của bộ đội biên phòng các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhưng sẽ có sự khác biệt về thời tiết”. Quả là vậy, cái rét đầu đông ở Hà Nội ngay lập tức được thay thế bằng cái nắng chói chang, gắt gao khi mọi người "chạm chân" xuống đất Cần Thơ "gạo trắng nước trong". Cần Thơ là điểm bắt đầu cho hành trình bằng ô tô trên những chặng đường bộ mấp mô và hẹp, với một bên là "đường thủy" cho những ghe thuyền của dân Nam Bộ ngược xuôi. Ấy vẫn là đặc trưng từ lâu trong cuộc sống của người phương Nam, để chiến sĩ biên phòng cũng tuần tra, canh gác theo lối thân thương, gắn liền với đặc thù địa phương ấy. Con đường mấy trăm cây số dẫn chúng tôi đến Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, còn một ngả đến Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng chào Cột mốc biên giới trước khi đi tuần tra. |
Ngày 27/11, Đại úy Nguyễn Tiến Lượng (quê Nghệ An) "vào vai" người dẫn đường, đưa chúng tôi rời thị xã Cao Lãnh hướng về vùng biên giới. Điểm dừng chân đầu tiên là Đồn biên phòng Cầu Muống, nằm cách Sở chỉ huy 60km. Giữa cảnh sông nước mênh mông, lồng lộng nắng và gió, Đại úy Lượng thật thà: “Cảnh sông nước Đồng Tháp Mười thật đẹp trong mắt người du hành, nhưng đó lại là điều bất lợi cho lực lượng bộ đội biên phòng khi phải đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn lậu trong điều kiện giữa đồng không mông quạnh như thế. Vì những kẻ buôn lậu sẽ dễ dàng phát hiện tổ tuần tra, đánh án. Trong trường hợp bị bắt, khi chưa kịp tiếp viện lực lượng hỗ trợ, kẻ buôn lậu sẵn sàng đánh trả lực lượng biên phòng, để cướp lại hàng vừa bị bắt”. Câu chuyện gian nan ấy đã từng được nghe kể, nhưng có chứng kiến tận mắt mới hiểu tường tận những gian khó mà các chiến sĩ khoác trên mình bộ quân phục lẫn trong màu rừng lá đang nắm giữ và đương đầu. Chợt "ngấm" hơn khi nghĩ đến những chuyến thực tế đến các đồn biên phòng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, rồi miền Trung và Tây Nguyên. Các đồn trú đóng luôn có địa hình khúc khuỷu, khó đi và hiểm trở. Người lính biên phòng thì luôn trong tư thế phải đối đầu với tội phạm nguy hiểm, nhất là tội phạm mua bán và vận chuyển chất ma túy.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra. |
Chiếc xe lắc mạnh băng qua cầu Cầu Muống. Trước mặt chúng tôi là những căn nhà xập xệ, nằm dọc hai bên đường. Đại úy Lượng chia sẻ: “Người dân vùng biên đa phần nghèo khó, không có đất canh tác, sống chủ yếu bằng đánh bắt nhỏ lẻ, làm công và làm thuê cho các “đầu nậu” buôn lậu. Thế nên công tác phòng chống buôn lậu của lực lượng bộ đội biên phòng cũng lắm gian truân, vì nhất cử nhất động của bộ đội biên phòng đều bị cảnh giới…”. Câu chuyện về nỗi gian nan ấy sẽ còn dài nếu xe chưa đưa chúng tôi đến cổng Đồn biên phòng Cầu Muống.
Bộ đội Biên phòng kiểm tra việc xuất nhập cảnh cho người dân. |
Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Cầu Muống - Thiếu tá Nguyễn Văn Bảng hồ hởi đón đoàn nhà báo, đưa chúng tôi đi thăm "doanh trại". “Hàng ngày, các chiến sĩ trẻ đều phải tập luyện đội hình, võ thuật và phương pháp chiến đấu với tội phạm vùng biên giới. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, lính trẻ còn tự tăng gia sản xuất và đã tự chủ được 80% thực phẩm” - Thiếu tá Bảng khoe. Ông cũng chia sẻ rất chân tình rằng, dọc tuyến biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp, thì Cầu Muống là đồn có địa bàn phức tạp nhất. Tội phạm chủ yếu là nhóm làm thuê cho những kẻ buôn lậu. Toàn địa bàn có diện tích trên 100ha, với khoảng 14.000 dân, trong đó có 60% dân không có đất canh tác. Nhiều người dân mùa mưa còn có cá để ăn, còn mùa khô thì chỉ còn cách “tiếp tay” cho buôn lậu. "Điều này cũng khiến tôi tâm tư lắm! Vì thế, tôi chỉ mong rằng, toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tổ chức làng nghề sản xuất, hỗ trợ việc làm cho bà con thoát nghèo. Như thế, mới chạm vào gốc tội phạm buôn lậu” - Thiếu tá Bảng giãi bày. Một vài nét phác họa vậy thôi cũng đã phần nào nói lên được cuộc sống, nỗi gian khó, lòng quyết tâm và nỗi niềm của người chiến sĩ biên cương. Rồi thêm "điểm đến" tiếp theo ngày 28/11 - Đồn Biên phòng Thường Phước, nơi có cửa khẩu quốc tế Thường Phước, nối liền hai lãnh thổ Việt Nam và Campuchia - chúng tôi càng hiểu thêm về cái nắng gió biên cương. Đơn vị này quản lý 7,8km với 4 cột mốc biên giới và 15 dấu hiệu làm rõ đường biên giới. Trong quá trình đấu tranh, gìn giữ an ninh biên giới, Thường Phước có 8 liệt sĩ và 12 thương binh. Những con số này cho thấy cuộc sống của người lính biên phòng luôn trực chờ hiểm nguy.
Các Bác sĩ mang quân hàm xanh thuộc BĐBP tỉnh Đồng Tháp đang khám bệnh cho dân. |
Nhưng thật vui khi làm việc tại Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, Chính ủy - Đại tá Nguyễn Đình Anh cho biết, Đồng Tháp có 50km đường biên giới với Campuchia, bao gồm một phần trên đồng bằng và còn lại là cắt ngang sông Tiền. Nhìn chung, việc gìn giữ, bảo vệ lãnh thổ và phòng chống đấu tranh chống lại các loại tội phạm có nhiều thuận lợi vì sự đoàn kết của quân dân hai nước. Thêm nữa, công tác nắm bắt tình hình cũng tốt nên độ phức tạp giảm đi nhiều. Trong năm qua, Bộ đội biên phòng tỉnh đã xử lý, phạt khoảng 2 tỷ đồng và thu giữ nhiều tang vật, liên quan đến buôn lậu… Ngoài ra, cũng phải nắm rõ tình hình, phối hợp với các ngành chức năng, cùng tuyên truyền chính sách, pháp luật, hỗ trợ giáo dục qua chương trình “Nâng bước em đến trường”, chương trình “Hũ gạo tình thương”, khám chữa bệnh cho dân nghèo hai nước.
Các chiến sĩ tăng gia sản xuất tại đơn vị. |
Niềm vui ấy được tiếp thêm nơi nắng gió biên cương khi chúng tôi chia tay Đồng Tháp, An Giang đến với lời hẹn đảo xa, đến với Bộ đội biên phòng huyện Côn Đảo (ngày 29/11) dù biển động mạnh. Vui khi được nhìn thấy ở nơi đảo xa này, bộ đội biên phòng đã giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản, ngăn chặn hành vi xâm phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản, vận chuyển trái phép, buôn lậu, vi phạm pháp luật và biên giới. Bộ đội biên phòng còn sát cánh cùng cuộc sống dân đảo để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quốc phòng và an ninh… Còn tàu tuần tra biển đã cho chúng tôi thấy những "cánh cung" biển mà các chiến sĩ đang gìn giữ ngày đêm, thấy những gian nan của người lính đảo, thấy cả niềm tự hào về vùng trời Tổ quốc trong trái tim mỗi người lính.
Nắng gió biên cương vẫn trải đều từng ngày, thấm trên nước da và nét mặt người chiến sĩ, nhưng cuộc sống của bộ đội biên phòng vẫn ngập tiếng cười và chan chứa tình quân dân. Chợt thấy hình ảnh người bộ đội biên phòng thật vững chãi với khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em”.