Tại Diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Chính Phủ phối hợp với Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức mới đây tại TP.HCM, báo cáo đánh giá: Việc vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đã diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực. Từ sản xuất, kinh doanh rau củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản... đến chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo… đều vi phạm ATVSTP.
Các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe của người dân, cụ thể là: gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc gây ra các bệnh mãn tính (rối loạn chuyển hóa chất của cơ thể, bệnh tim mạch, bệnh ung thư…).
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000 – 7.000 người, trong đó có từ 40 - 60 người tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2016 (từ ngày 01/01 đến hết ngày 30/6), toàn quốc có 68 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.080 người mắc, 1.673 người đi viện và 04 trường hợp tử vong.
Theo ý kiến của PGS.TS Trần Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất vệ sinh ATTP do sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ. Nhận thức và ý thức bảo đảm ATTP còn hạn chế, nhất là việc sử dụng phân bón hóa học. Chính quyền chưa thật sự vào cuộc và hệ thống văn bản ATTP hiện nay có khá nhiều những nhiều quy định chưa rõ, rất khó thực thi.
Qua đó, ông cũng đưa ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về ATTP cho các nhóm đối tượng tập trung vào bảo đảm ATTP trong nông, lâm sản và thủy sản. Chú trọng tới việc tuyên truyền giới thiệu các mô hình, các sản phẩm thực phẩm an toàn. Sớm có một cơ quan đầu mối về ATTP để giúp Chính phủ quản lý về ATTP.
Cũng đồng tình với TS.Trung, nhiều đại biểu cho rằng, cần có một cơ quan thực thuộc Chính phủ để giải quyết mọi vấn đề về ATTP, bởi hiện nay quá nhiều bộ cùng xử lý ATTP tuy nhiên vẫn không giải quyết được vấn đề này. Đồng thời, cần làm lại hệ thống văn bản pháp luật, tránh trường hợp “ông nói gà, bà nói vịt” khi hiện nay có quá nhiều luật khiến người tiêu dùng trở nên rối, luật thì nhiều nhưng người tiêu dùng hiểu lại ít.
Đặc biệt, một vấn đề bất cập được nhiều đại biểu quan tâm chính là vai trò của người dân trong vấn đề ATTP. Chia sẻ với PV Báo Người tiêu dùng tại diễn đàn, một đại biểu đến từ tỉnh Long An tỏ ra e ngại khi đưa ra thực trạng người tiêu dùng không biết phải báo cáo cho ai khi phát hiện ra sản phẩm có hiện tượng mất vệ sinh ATTP? Ông cũng cho biết thêm, hiện nay tại địa phương chưa có một đơn vị nào tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng về vấn đề vệ sinh ATTP. Do đó, tiếng nói của người tiêu dùng cần được quan tâm và đón nhận từ phía các bộ, ngành, địa phương.