Thông thường, đạo lý sống của người Việt là khi tin nhau thì không đòi hỏi giao kèo hay ký tá văn tự gì. Điều đó thấy rõ nhất là khi người ta tin nhau, việc mua bán hay cho mượn tiền không cần viết giấy. Nên có nhiều vụ lật kèo, xù nợ, và lúc dó người mất của mới vò đầu bứt tóc và tự chửi mình ngu, quá cả tin.
Có nghĩa, khi người ta không tin nhau, mới xác lập văn tự để làm chứng, phòng bị nguy cơ lật kèo. Nói có sách mách có chứng, mua bán vay mượn có giấy tờ, không chạy trốn đi đâu được.
Vậy cho nên khi ông chủ công ty Gia Hân nói “Vì tôi tin vào ca sĩ Thu Minh nên mới ký vào hợp đồng”, người ta không khỏi phì cười bởi câu nói phi lo-gic.
Vợ chồng ca sĩ Thu Minh có lẽ vẫn cứ ung dung khi đối phương chỉ dùng chiêu tố cáo đến dư luận mà không giải quyết bằng pháp luật dựa trên các điều khoản của hợp đồng. |
Đã ký vào hợp đồng, có nghĩa để đưa ra những ràng buộc với đối phương nhằm bảo vệ mình, sao lại cho rằng ký hợp đồng là tai họa?
Điều 389 (Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự) Bộ luật Dân sự 2005 nêu: “Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: 1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; 2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”. (Hiện đã có bộ luật Dân sự 2015, nhưng vì hai công ty Gia Hân và Globa Home ký kết trước năm 2015, nên phải dẫn bộ luật 2005).
Nguyên tắc của hợp đồng dân sự là tự nguyện và bình đẳng. Điều 10 Luật Thương mại 2005 (Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại) xác định: “Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại”. Điều 11 của bộ luật này (Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại) cũng quy định: “1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó; 2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”.
Rõ ràng, Luật Việt Nam đã có tất cả các quy định để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi đối tượng, thành phần trong hoạt động kinh doanh, và bảo vệ bình đẳng, không kể đó là đối tượng trong nước hay nước ngoài. Thương trường là chiến trường, bút sa gà chết, sai con toán bán con trâu, sai một li đi một dặm, điều đó từ cổ chí kim cha ông đã dạy. Những ai sống có trải nghiệm và đặc biệt là giới doanh nhân đều thấu hiểu điều này. Thế nên, khi khi ông chủ công ty Gia Hân tố cáo chồng của ca sĩ Thu Minh lừa đảo, bằng việc trưng ra các… hợp đồng, quả là điều lạ lùng xưa nay hiếm thấy.
Hàng của công ty Gia Hân làm theo hợp đồng cho Global Home, được Gia Hân cho rằng đã đượcGlobal Home đóng dấu kiểm định xác nhận đạt chất lượng, nhưng Global Home không nhận hàng và thanh toán tiền. |
Đành rằng, bẫy hợp đồng là có chứ chẳng phải không, nhưng đến giờ, với những thông tin rộng rãi cũng do công ty Gia Hân đưa ra và hiện nay người ta được biết, thì đến giờ vẫn chưa ai chứng minh được chi tiết nào trong hợp đồng thể hiện công ty Global chuẩn bị cho ý đồ lừa đảo. Có chăng, nếu có thể thể, thì đó là chi tiết nêu có tranh chấp thì hai bên đưa nhau ra tòa án ở… Hồng Kông để phân xử. Tuy nhiên, về luật, thì không ai được phép suy diễn đây là nọi dung chuẩn bị cho việc lừa đảo (nếu có) sau này.
Với điều khoản này mà công ty Gia Hân vẫn thò bút vào ký, thì quả là lạ lùng. Điều 16 bộ luật Thương mại 2005 quy định về doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam: là phải tuân thủ pháp luật Việt Nam: “Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam”.
Điều này có nghĩa, làm ăn tại Việt Nam thì xưt theo luật Việt Nam, cớ sao lại đưa nhau qua tận Hồng Kông, nhờ nước ngoài phân xử? Điều này chỉ có thể lý giải đó là sự non nớt của Gia Hân, chứ không thể chấp nhận lý lẽ bao biện như ông chủ Gia Hân nói, là “Tôi tin tưởng ca sĩ Thu Minh nên ký”. Quái, làm ăn với chồng, sao lại ký hợp đồng vì tin tưởng vợ? Vả lại, Thu Minh cũng là một người bình thường, chỉ khác là nổi tiếng nhờ ca hát. Vậy thì có gì để ông chủ Gia Hân phải cả tin như vậy?
Ngoài chi tiết trên mà cơ sở lập luận vẫn không vững, thì đến giờ, chưa có bất cứ thông tin nào trong hợp đồng mà Gia Hân phân tích chỉ ra được đó là một hợp đồng lừa đảo. Cứ cho rằng đến giờ này ông Otto có nợ, và không chịu nhận hàng, thì nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật là công ty Gia Hân khởi kiện ra tòa, chứ không thể cứ lên báo hay lên mạng xã hội tố cáo mà lấy được… tiền!
Cũng có điểm để quan tâm một chút, đó là khả năng công ty Gia Hân tính đánh vào sự nổi tiếng của Thu Minh, để vợ chồng Thu Minh sợ ảnh hưởng đến tên tuổi. Điều này cũng có thể có hiệu quả với người yếu bóng vía. Nhưng nên nhớ rằng với người đã dày dạn trên thương trường như ông chồng ca sĩ Thu Minh, e rằng chiêu này của Gia Hân sẽ không hiệu quả.
Giả sử Global Home đã nhận một số lô hàng mà cả năm qua không thanh toán như Gia Hân nói, thì khi kiện ra tòa, Gia Hân thắng chắc. Vậy sao không làm, mà lại đi tố cáo lên công an nhằm hình sự hóa quan hệ dân sự, rồi cứ lên mạng kêu ca kể khổ cho hao hơi tổn tiếng mà không giải quyết được gì?
Và chắc chắn, trong vụ này, Cảnh sát kinh tế (PC46) cũng khó lòng nhúng tay vào. Bởi thực chất, đây chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, qua quan sát tình hình mấy ngày qua, sự công kích của Gia Hân cũng có phần nào tác động được đến dư luận. Quả thật cũng đã có người hả hê. Kể cả một số báo chí và website uy tín hẳn hoi, dù không khẳng định nhưng cách dùng từ, cách diễn đạt, cũng có chút hơi hướng cho rằng chồng ca sĩ Thu Minh lừa đảo. Đây có thể nói là thể hiện tâm lý xấu của người Việt, giàu hơn mình thì ghét, nghèo hơn mình thì khinh.
Trước những thông tin như vậy, ca sĩ Thu Minh cũng có thông tin nói rằng cô bực bội. Nhưng cũng là bực bội, đến mức đó thôi, chứ cũng không làm cho cô và ông Otto sợ hãi. Bởi, làm ăn thì có hợp đồng. Khi không dựa trên hợp đồng mà tranh đấu, thì dù có vạn cách cũng không thắng nổi đối phương.
Kinh doanh mà ‘vì tin nên ký hợp đồng’ thì chết chắc! Mà bài học này cũng chẳng mới mẻ gì!