Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vì sao tháng 7 âm lịch lại được gọi là tháng cô hồn. Thậm chí, nhiều người còn đặt câu hỏi: Liệu lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có phải là một? Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả một số quan điểm về ý nghĩa của lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân.
Vì sao tháng 7 âm lịch lại được gọi là tháng cô hồn?
Tên gọi tháng cô hồn được bắt nguồn từ Đạo Giáo của người Trung Quốc. Họ quan niệm rằng: Bắt đầu từ 2/7 âm lịch thì Diêm Vương sẽ bắt đầu mở quỷ môn quan cho quỷ đói được quay về dương gian. Và cánh cửa sẽ đóng lại vào giữa đêm ngày 14/7 âm lịch. Cũng vì thế mà mọi người trên dương thế cần cúng cháo, gạo,... Để quỷ đói không quấy phá đời sống của mình cũng như những người thân trong nhà.
Còn ở Việt Nam chúng ta quan niệm rằng, mỗi chúng ta sẽ có phần thể xác và phần hồn. Mọi người khi chết đi nhưng phần hồn không thể đầu thai, sẽ hóa thành quỷ ở dưới âm Ty Địa Ngục. Hàng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch thì những con quỷ này lại quay về dương thế kiếm tìm đồ ăn để mong được đầu thai chuyển kiếp. Và suốt tháng 7, mọi đồ đạc như: Áo quần, xe cộ,... Đều kỵ không nên mua, kẻo sẽ bị ma quỷ quấy phá, hoặc có mua thì chỉ mua cho người âm.
Trong lễ Vu Lan báo hiếu thường có tổ chức nghi thức bông hồng cài áo. Nguồn: Internet
Ý nghĩa của lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu có nguồn gốc từ Đạo Phật Bắc Tông (Đại thừa), là một ngày lễ chính của Bắc Tông. Câu chuyện nguồn gốc ra đời của ngày này liên quan đến sự tích về đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Từ đó, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam, để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ. Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Lễ Vu Lan cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hi sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại.
Ở Việt Nam, ngày lễ Vu Lan còn có nghi thức bông hồng cài áo. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào năm 1962, những ai may mắn còn cha mẹ sẽ cài bông hoa đỏ và những ai không còn cha mẹ bên mình thì cài bông hồng trắng. Bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan thể hiện những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý nhất, khiến cho mỗi người may mắn còn cha mẹ sẽ càng thêm yêu mến, kính trọng cha mẹ mình…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ý nghĩa của lễ Xá tội vong nhân
Theo quan niệm của dân gian, trong khi lễ Vu Lan đề cao sự báo hiếu thì lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian.
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vất vưởng khắp nhân gian. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để bố thí cho các cô hồn không nơi nương tựa và mong ước họ được siêu sinh.
Tích khác nói rằng, tôn giả A Nan Đà (Đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng 3 ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để cứu sống đó là cúng cho quỷ đói thức ăn để ông được tăng thêm tuổi thọ. Ngài A Nan Đà đã áp dụng bài chú được Phật Thích Ca Mâu Ni truyền cho để đem tụng trong lễ cúng côn hồn, ngạ quỷ và được thêm phước.
Không chỉ nằm trong tín ngưỡng của các nước phương Đông, các nước phương Tây cũng có cho mình ngày Xá tội vong nhân tương tự đó chính là Halloween hay còn được biết đến rộng rãi là ngày hội hóa trang ma quỷ. Câu chuyện hóa trang thành ma quỷ thật ra chỉ là hoạt động do người đời sau thêm thắt vào; còn về bản chất nguyên thủy, Halloween vốn có rất nhiều nét tương đồng với ngày Xá tội vong nhân.
Riêng ở Việt Nam, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày rằm tháng 7. Chỉ có điều, theo một số tài liệu, người phía Bắc thường trọng lễ Xá tội vong nhân còn miền Trung và miền Nam lại đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.