Và phở được nhiều người “nghiện” đến mức mỗi tuần ít ra cũng phải xơi đôi ba lần. Mấy ông bạn tôi còn cao giọng khẳng định “cơm có thể nhịn được vài ngày, còn phở thì khó đấy”!
Sau mấy tháng giãn cách xã hội, nhiều người thèm thứ đồ ăn kia đến phát cuồng. Hơn tuần nay, Hà Nội cho phép hàng ăn được phục vụ tại chỗ, thế là thực khách thỏa cái sự thèm lâu nay. Ngày hai buổi sáng - chiều, quán phở đông như trẩy hội. Thực khách dẫu vẫn phải ngồi trước vách ngăn để đề phòng con Covid, nhưng sự xì xụp với bát phở nóng vào thời tiết se lạnh cuối Thu đầu Đông còn gì thú bằng?
Phở bò. Ảnh: Internet
Dẫu chỉ là món ăn, ở khắp xứ mình, chỗ nào chả có, ấy thế nhưng với Hà Nội, phở là đặc sản ít nơi sánh bằng. Dân sành ăn, không bao giờ cho phép mình bạ quán nào cũng sà vào, những 13 Lò Đúc (Phở Thìn), phở Thìn Bờ Hồ, Phở Thịnh (Tôn Đức Thắng) là địa chỉ quen thuộc cho “tín đồ” của phở bò. Đã ăn phở gà, kiểu gì cũng phải chạy qua mạn Đỗ Hành mới xứng…
Ấy là đối với người sành sỏi, “kén mồm” thôi, còn thực khách phổ thông, ngõ phố nào ở đất kinh kỳ này mà chả có vài quán phở bò, gà các loại. Kể cũng lạ, khoảng 30 năm trở lại đây, khắp ngóc ngách nội thành, cho đến những nơi phố huyện, thị trấn, thị tứ của Hà Nội, gần như chỗ nào cũng có quán phở bò. Mà một khi đã là phở bò thì kiểu gì cũng kèm theo chữ Nam Định. Nhưng nếu có dịp về Nam Định, có bói cũng khó tìm ra quán phở bò nào trưng chữ Nam Định lên đâu!
Và cũng chả rõ đã nhượng bán thương quyền hay chưa, nhưng nhiều nơi ở khu vực phía Bắc, “Phở số 10 Lý Quốc Sư” mọc lên nhan nhản. Mà đã là “Số 10 Lý Quốc Sư”, ắt là phở bò – Vì vậy mặc nhiên “rồng” lại được mọc thêm cánh! Đặc sản phở Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí trong bản đồ ẩm thực nước Nam ta.
|
Quay lại câu chuyện phở, từ năm 1937 của thế kỷ trước, nhà thơ Tú Mỡ đã từng có bài “Phở đức tụng”: Trong các món ăn “quân tử vị”/ Phở là quà đáng quý trên đời/ Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi/ Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ…
Mới nghe qua thôi, cũng đã thấy nước miếng ứa ra ngập chân răng! Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu, cây bút trào phúng lừng danh, đã từng hết lời khen tặng món phở bò chính thống của Hà Nội. Nhà thơ đã từng “…Sáng sáng đi làm chén phở rong…” ăn xong, ngồi ngắm "Chúng chị em sớm mận tối đào, nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc…”.
“Phở Đức tụng” quả tình đã không quá lời, khi ca ngợi cái món quà vừa bình dân lại phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội ngày ấy. Thời nay, có nhiều nhà hàng, khách sạn còn làm món phở bò Kobe với giá cả triệu bạc một bát. Ngon thì chắc là rồi, nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để thưởng thức. Với tầng lớp bình dân, chỉ đôi ba chục, sà vào bất kỳ quán nào làm tô phở cũng đủ ấm bụng và đủ năng lượng cho nửa ngày lao động…
Nay phở Hà Nội cũng “hội nhập” phong vị của các vùng miền, nhưng nhiều hộ kinh doanh có xu hướng chạy theo lợi nhuận. Quán hàng dẫu trưng biển “Phở Hà Nội”, nhưng chất lượng thì chẳng thể đem ra mà “tụng” cho được; làm vậy mang tiếng cho phở Hà Nội lắm!
'Sự tích' phở Việt - Kỳ 3: Phở trong ghi chép của cụ Vương Hồng Sển
(Tieudung.vn) - Cụ Vương Hồng Sển viết về phở trong “Sài Gòn tạp pín lù”, hoàn toàn mang phong vị phương Nam. |