“Tuần lễ Văn học Pháp” bao gồm một loạt các hoạt động như: Trưng bày, tọa đàm, giao lưu, chiếu phim xoay quanh các tác giả và tác phẩm văn học Pháp từng được chuyển thể sang điện ảnh. Đây cũng là dịp để công chúng, độc giả Việt Nam có thể giao lưu với những người trong ngành điện ảnh, văn học, phê bình như: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ, đạo diễn Đỗ Văn Hoàng... và đặc biệt là giao lưu với nhà văn kiêm đạo diễn nổi tiếng người Pháp David Foenkinos.
Nhà văn David Foenkinos sẽ có buổi giao lưu công chúng Việt Nam và trình chiếu bộ phim “Mối tình Paris” từ tiểu thuyết cùng tên.
Hiện nay, hoạt động trưng bày “Bìa một số tác phẩm văn học Pháp được chuyển thể” đang diễn ra tại 24 Tràng Tiền. Triển lãm trưng bày bìa phiên bản tiếng Việt do Nhã Nam phát hành trong suốt hơn mười năm qua của một số tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim như: “Bản giao hưởng Pháp” của Irène Némirovsky, “Buồn ơi chào mi” của Françoise Sagan, “Nét duyên góa phụ” của Alice Ferney, “Mối tình Paris” của David Foenkinos, “Hẹn gặp lại trên kia” của Pierre Lemaitre, “Cuộc sống ở trước mặt” của Romain Gary, “Cuộc gọi từ thiên thần”, “Central P” của Guillaume Musso, “Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy... Trưng bày cũng giới thiệu đến độc giả những thông tin thú vị về tác giả, tác phẩm, những câu chuyện bên lề và câu chuyện chuyển thể của cuốn sách.
Vào ngày 13/11 sẽ diễn ra toạ đàm “Tính điện ảnh trong các tác phẩm của Romain Gary” với sự tham dự của các diễn giả: Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng, biên tập viên Đinh Văn Tuệ Anh… Romain Gary là nhà văn quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các tác phẩm hai lần đạt giải Goncourt, phải kể đến là: “Lời hứa lúc bình minh”, “Cuộc sống ở trước mặt”, “Chó trắng”, “Quấn-Quít”... Nhiều tác phẩm của ông không những giàu chất thơ mà còn chứa nhiều tính điện ảnh, đã được chuyển thể thành phim.
Tiếp đó, tối 14/11, là buổi trình chiếu bộ phim “Hoài niệm” (Đạo diễn: Jean-Paul Rouve; Biên kịch: David Foenkinos). Chuyện phim xoay quanh cuộc đời nhân vật chàng trai trẻ Romain làm nghề gác ban đêm trong một khách sạn, nhưng luôn mơ ước trở thành nhà văn.
Một điểm nhấn trong “Tuần lễ Văn học Pháp” tại Việt Nam lần này là buổi giao lưu với nhà văn kiêm đạo diễn David Foenkinos, đồng thời thưởng thức bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Mối tình Paris” của ông, (17h30 ngày 15/11). David Foenkinos là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp hiện nay. Năm 2009, “Mối tình Paris” đã đưa tên tuổi của ông lên hàng các tác giả nổi tiếng, sau khi Foenkinos tham gia chuyển thể tác phẩm văn học này thành phim. Tại Việt Nam, Foenkinos được đông đảo bạn đọc yêu mến qua các tiểu thuyết: “Mối tình Paris”, “Những lần ta chia tay”... và sắp tới là ‘’Charlotte”.
Dịp này, một hoạt động nghề nghiệp rất đáng lưu tâm với các nhà làm phim và sinh viên điện ảnh, đó là workshop “Viết kịch bản phim từ một tác phẩm văn học”, tổ chức trong 2 ngày 16 và 17/11, với sự điều phối của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ. Qua workshop này, những người tham dự có cơ hội tìm hiểu về viết kịch bản - một công việc thú vị, nhưng nhiều thách thức, đồng thời khám phá một số tác phẩm văn học Pháp đã được chuyển thể thành phim, được yêu mến cả ở Pháp và Việt Nam.
Trong suốt “Tuần lễ Văn học Pháp”, còn có phần trưng bày “Bìa một số tác phẩm văn học Pháp được chuyển thể” - giới thiệu bìa phiên bản tiếng Việt (do Nhã Nam phát hành trong hơn 10 năm qua) của một số tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim, như “Bản giao hưởng Pháp” của Irène Némirovsky, “Buồn ơi chào mi” của Françoise Sagan, ‘’Nét duyên góa phụ” của Alice Ferney, “Mối tình Paris” của David Foenkinos, “Hẹn gặp lại trên kia” của Pierre Lemaitre, “Cuộc sống ở trước mặt” của Romain Gary, “Cuộc gọi từ thiên thần”, “Central Park” của Guillaume Musso, “Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy, v.v.
Tuần lễ Văn học Pháp do Trung tâm Văn hóa Pháp phối hợp với Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, diễn ra từ nay đến ngày 18/11.