Trong văn hóa của người Việt, vàng mã được quan niệm là đồ để cúng cho người đã mất, do đó mỗi khi thờ cúng tổ tiên, người dân thường đốt vàng mã; Năm nay do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên một số người còn có ý tưởng khá 'độc' về việc gửi khẩu trang cho cõi âm chống virus SARS-CoV-2.
Anh Đạt (26 tuổi, Hàng Điếu, Hà Nội) vừa đưa một chiếc smartphone giấy vào thùng hóa vàng mã vừa cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống đốt vàng mã cho ông bà, tổ tiên để tỏ lòng biết ơn vào tháng 7 hàng năm. Đây là việc làm thường niên và chưa năm nào chúng tôi dám bỏ quên”.
Thị trường vàng mã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Giống như anh Đạt, chị H. (32 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ tháng 7 mọi năm, tôi được phân công nhiệm vụ đi mua đồ cúng bao gồm: Quần áo, đồ dùng, nhà cửa,…để gửi cho các cụ dưới ấy. Trần sao thì âm vậy, con cháu trên này có gì thì cũng phải gửi xuống cho các cụ cùng hưởng để các cụ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình ấm êm”.
Không chỉ anh Đạt, chị H. mà phần lớn người Việt cũng có truyền thống đi mua vàng mã để đốt cho ông bà, tổ tiên vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm. Do đó vào thời điểm này, tại phố hàng Mã (Hà Nội) – địa điểm bán vàng mã lâu đời và nổi tiếng luôn rực rỡ.
Một số mẫu túi xách hàng hiệu được làm hết sức tỉ mỉ và đẹp mắt.
Chị Oanh (chủ cửa hàng bán vàng mã ở phố Hàng Mã) cho biết: “Tháng 7 âm lịch năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên mọi người hạn chế ra ngoài, cộng với khuyến cáo về việc hạn chế đốt vàng mã nên sức mua vàng mã giảm. Theo tôi thấy thì mọi năm người ta mua đến 3 - 4 bộ đồ (vàng mã) cho người đã mất nhưng năm nay 1 người chỉ 1 bộ thôi. Còn giá cả thì không có sự biến động nhiều, chủ yếu vẫn là do chất lượng sản phẩm và nhu cầu của người mua quyết định. Như ở cửa hàng của tôi, nếu được làm từ chất liệu giấy đẹp thì khoảng 60.000 đồng/1 bộ, hàng bình thường thì rơi vào tầm 35.000- 40.000 đồng/bộ. Còn hàng làm từ giấy hồ thời xưa thì chỉ có 20.000 đồng/bộ. Cách đây gần 10 ngày, có khách hàng còn đặt tôi đồ của Mẫu Âu Cơ và Lạc Long Quân có giá trị khoảng 1.500.000 đồng/người”.
Theo cô Nga (người bán hàng ở phố Hàng Mã) thì giá của mỗi bộ trang phục vàng mã sẽ tùy vào độ tỉ mỉ và chất liệu làm ra.
Cũng theo chị Oanh, nhiều năm gần đây “Phú quý sinh lễ nghĩa” nên các mặt hàng vàng mã ngày càng đang dạng và phong phú; từ nhà lầu, xe hơi đến hàng hiệu bằng giấy giống như thật. “Hoặc cùng là xe đạp nhưng có người lại muốn kiểu xe địa hình hay xe cổ đời xưa. Những đồ đó bắt buộc phải có sự cầu kỳ nên giá cả sẽ cao hơn bình thường”, chị nói.
Mỗi mùa cô hồn đến, thị trường vàng mã lại hết sức sôi động với doanh số phát triển vượt trội. Phải nói rằng, các cửa hàng vàng mã luôn bắt kịp xu hướng rất nhanh với những mặt hàng bằng giấy không khác gì đồ thật trên trần gian.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên xuất hiện một số hình ảnh khẩu trang và tấm chắn giọt bắn ngăn virus SARS-CoV-2 bằng vàng mã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và tò mò.
Đặc biệt năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên xuất hiện một số hình ảnh khẩu trang và tấm chắn giọt bắn ngăn virus SARS-CoV-2 bằng vàng mã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và tò mò; Tuy nhiên khi hỏi về khẩu trang vàng mã, các cửa hàng trên phố Hàng Mã đều khẳng định nếu có người đặt nhiều họ mới làm, còn không thì mặt hàng này không có bán.
“Tôi nói rồi, trần sao thì âm vậy, nếu cô muốn hóa khẩu trang chống Covid-19 cho các cụ dưới ấy thì cứ dùng khẩu trang giấy mà mọi người thường đeo ấy, cứ thành tâm là các dưới ấy nhận được”, chị Oanh cũng như một số người khác chia sẻ.
Liên quan đến việc đốt vàng mã, chia sẻ với Tiền Phong mới đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Theo quan niệm của dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm là tháng cô hồn nhưng trong Phật giáo, khoảng thời gian này là tháng vu lan báo hiếu, để báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ....Câu chuyện đốt vàng mã luôn được quan tâm mỗi dịp lễ tết, rằm tháng Bảy. Sau hai năm Giáo hội ra công văn yêu cầu các chùa của Giáo hội không thực hiện đốt vàng mã, đến nay chấm dứt hẳn chưa thì chưa thể do tập quán ăn sâu vào đời sống nhưng có chuyển biến tích cực”.