Cầu Cao Lãnh chính thức khánh thành ngày 27/5 |
Cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống thuộc dự án giao thông kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, không còn phải sử dụng phà Cao Lãnh và phà Vàm Cống, mất nhiều thời gian như trước. Việc thông thương hàng hóa, kinh tế Đồng Tháp và khu vực ĐBSCL sẽ được thúc đẩy nhờ công trình này.
Nằm trong dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL, sau khi hoàn thành cây cầu sẽ cùng tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thực hiện, hình thành trục dọc thứ 2 bên cạnh quốc lộ 1 từ TP.HCM nối các tỉnh Tây Nam Bộ. Dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL.
Cầu Cao Lãnhkhởi công vào năm 2013, hợp long vào tháng 9/2017, có tổng chiều dài 7,8 km, trong đó cầu dài 2,1 km, còn lại là đường dẫn vào cầu, với tổng vốn đầu tư 6.493 tỷ đồng.
Cầu có nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu thiết kế 34 nhịp dẫn, 65 nốt dầm, 128 bó cáp, tháp dây văng hình chữ H cao 120 m. Vận tốc thiết kế lên đến 80 km/h.
Từ quốc lộ 30 (Cao Lãnh) đường dẫn hình hai cánh cung nối cầu Cao Lãnh dài hơn 5 km đã được xây dựng rất khang trang cho 4 làn xe lưu thông. Trên mặt đường mới thảm nhựa cũng vừa được kẻ những làn sơn trắng để phân làn cho xe lưu thông.
Tuyến đường nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài 21,45 km đi qua huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã hoàn thiện để kết nối với nhau.
Tổng vốn đầu tư của cầu Cao Lãnh khoảng 3.000 tỷ đồng, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Sau khi cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác, bến phà cũ sẽ được thu gọn lại chỉ còn 2 chiếc nhỏ loại 100 tấn và 40 tấn, được bố trí để vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nguyện vọng của người dân và học sinh, sinh viên hai bên bờ TP Cao Lãnh - huyện Lấp Vò.
Cầu Cao Lãnh đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp mà còn là động lực lớn để đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh", vươn lên mạnh mẽ.