Trước đó, trình báo với cảnh sát, chị T (24 tuổi, quê Long An) cho biết vừa rút tiền tại ngân hàng ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Trên đường chạy qua quận 7 để trả nợ thì cọc tiền trong túi áo khoác rơi ra.
Khi được người đi đường báo, chị quay lại tìm nhưng không thấy. Biết nhiều người đã lấy số tiền này, chị năn nỉ thì được người bán hàng rong trả lại một ít. Việc cô gái đánh rơi tiền rồi một nhóm người chạy ra đường "hôi của" đã được camera của người dân ghi lại hành vi đó.
Clip sau khi được lan truyền trên mạng xã hội đã gây xôn xao. Nhiều người tỏ thái độ bất bình trước hành động "hôi của" này.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Theo quy định này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Sau khi đánh rơi 30 triệu đồng, rất nhanh số tiền của chị T. đã bị người đi đường lấy sạch.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Trần Minh Hùng (đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng hành vi "hôi của" có thể bị xử phạt theo Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của Pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu số tiền cô gái làm rơi là 30 triệu đồng như trình báo, Công an quận 7 sẽ tùy thuộc vào lượng tiền từng người nhặt (tối thiểu là 10 triệu đồng) để có hướng xử lý. Qua camera ghi lại hình ảnh, thể hiện người phụ nữ chở đứa trẻ đến chỗ tiền rơi, cho em này xuống nhặt, được cho là hành vi "xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội". Đây là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS).
Ông Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói rằng, hành vi "hôi của" trên thể hiện văn hoá "xấu xí" của những người này. Đây là số tiền theo như chị T nói dùng để trả nợ. Như vậy, việc "hôi của" có thể khiến chị T rơi vào hoàn cảnh túng quẫn.
"Đã không giúp được người ta trong lúc gặp nạn cũng không nên hôi của như vậy" - luật sư Long nói.