Hồ Cầu 38, phần thuộc xã Đức Liễu đang đứng trước nguy cơ bị "bức tử" vì những công trình đào bới, san lấp, xây dựng vô phép như thế này. Ảnh: Lâm Thiện
Đua nhau san lấp, xây dựng, thay đổi hiện trạng đất, nguy cơ "bức tử" hồ
Sau khi báo Kinh tế và Đô thị nhận thông tin phản ánh từ người dân: Tại Hồ Cầu 38, phần thuộc địa bàn xã Đức Liễu và xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, một số chủ công trình đang tiến hành đào bới, vận chuyển, san lấp, thay đổi hiện trạng đất, xây dựng hạng mục...trên diện tích nhiều héc ta nhưng không xin phép Chính quyền. Những công trình này có nguy cơ cao xâm phạm quỹ đất ven hồ, gây ảnh hưởng lớn tới lòng hồ nếu Chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước không sớm vào cuộc. Chiều ngày 14/2, phóng viên đã có chuyến tác nghiệp tại xã Đức Liễu và xã Minh Hưng ghi nhận hiện trường...
Phần Hồ Cầu 38, thuộc xã Đức Liễu có một ngọn đồi nhô ra mặt nước, như một bán đảo, diện tích hơn 10 héc ta, đang bị “cắt gọt”, lấy đất san lấp ra phía bờ hồ. Kế bên là một hộ dân khác cũng đang “ra sức” dùng xe cuốc, xe ben, đào đất gần đó chở san lấp ngay cạnh bờ hồ. Cũng ven hồ này nhưng thuộc địa phận xã Minh Hưng, một hộ dân khác đã tiến hành san lấp một khối lượng đất rất lớn, làm tràn ra cả mặt hồ.
Cảnh tượng, đào đất bên này, hạ đồi bên kia, di chuyển san lấp bên nọ...Người và xe đua nhau thi công, nhìn chung như một đại công trường đang tấp nập thi công. Qua nhiều ngày, khu vực đang bị biến thành “đất trống đồi trọc”, làm trắng cả một vùng. Quả thật, Hồ Cầu 38 đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử”, nhưng chưa thấy chính quyền vào cuộc trấn chỉnh, trước lúc quá muộn.
Làm đường giao thông băng qua đồi có vốn ngân sách, chuyển đổi mục đích đất chưa hợp lý?
Tiếp tục ghi nhận, chúng tôi thấy, cũng trong “đại công trường” này là con đường bê tông khá kiên cố, chiều rộng khoảng 6 mét, chiều dài khoảng 1,5 km mét. Con đường bắt đầu từ Quốc Lộ 14 chạy qua một số nhà dân, tới ½ quãng đường, hai bên đường không hề thấy bóng dáng một căn nhà nào, nhưng điều đáng nói là con đường cứ tiếp tục chạy băng qua ngọn đồi - nơi công trình đang xây dựng, tiếp tục đổ dốc, điểm kết thúc con đường bê tông gần đến mặt hồ, tiếp theo là phần đất vừa san lấp ra tận mặt nước, nhìn đất còn rất mới.
Chiều cùng ngày, nhằm thông tin sự việc được sáng tỏ trước dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Văn Vĩnh - Chủ tịch xã Đức Liễu và một cán bộ địa chính xã này.
Tại buổi làm việc, ông Vĩnh cùng địa chính xã cho biết, hai công trình mà phóng viên phản ánh lần lượt của bà Đặng Thị Hồng Nhung (chủ công trình có ngọn đồi – có con đường giao thông nông thôn xuyên qua ngọn đồi) và Bà Diễm. Trong diện tích đất của bà Nhung có 5.000 m2 đất ở nông thôn, còn phần đất bà Diễm có 1.000 m2 đất ở nông thôn, cùng vừa mới chuyển mục đích.
Khi phóng viên hỏi việc san lấp chủ đất bà Nhung và bà Diễm có xin phép chính quyền, ông Vĩnh trả lời: “Họ chỉ san lấp trong phần đất nhà họ”. Ông Vĩnh cũng cho biết, con đường bê tông được xây dựng theo chương trình nông thôn mới, trong đó có tiền ngân sách Nhà nước, còn công trình trên đất bà Nhung chỉ là nhà gỗ.
Như lời ông Vĩnh nói, phải chăng tại địa phương ông quản lý, việc san lấp đất, thay đổi hiện trạng đất trong vườn nhà mình thì không cần xin phép cơ quan chức năng? Còn con đường giao thông nông thôn mới, có vốn từ ngân sách Nhà nước lại được đầu tư chạy xuyên qua ngọn đồi, dài hàng trăm mét, đến gần mặt nước Hồ Cầu 38, nơi bà Nhung đang “cắt gọt” đồi, đang xây dựng nhiều hạng mục công trình, đang làm thay đổi hiện trạng một vùng đất rộng nhiều héc ta. Điều này thật khó hiểu?
Dư luận cho rằng, việc bà Diễm vừa chuyển mục đích loại đất khác thành đất ở 1.000m2, đặc biệt là bà Nhung cũng vừa chuyển với diện tích “khủng” lên đến 5.000m2 đất ở, tại khu vực nông thôn, gần lòng hồ cũng là việc khó hiểu, thiếu thuyết phục. Cần xem lại công tác bố trí quỹ đất thổ cư, chuyển đổi đất mục đích đất khác thành đất thổ cư trên khu vực, có vẻ như chưa hợp lý.
Thừa nhận sai, còn nhiều công trình khác gây nguy cơ “bức tử” Hồ Cầu 38?
Cũng trong chiều 14/2, qua chị Nhung, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với người phụ trách san lấp của chị này, qua trao đổi người này nói: “Đã làm thì có đúng sai có sai, không làm đúng hết được, em cũng làm lâu năm rồi”.
Còn chị Diễm cho biết, khu vực xung quanh còn có những người khác đã làm như chị, chứ không phải một mình chị làm, “Nếu tôi sai tôi chấp nhận múc đất trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng nếu những người kế bên làm sai họ cũng phải trả lại hiện trạng đất ban đầu, để công bằng, nếu không tôi sẽ rất bức xúc” – chị Diễm nói.
Theo lời chị Diễm phóng viên cũng ghi nhận thêm một số nơi gần khu vực đã thực hiện đào bới, san lấp, thay đổi hiện trạng đất, thậm chí còn có dấu hiệu lấn xuống mặt hồ.
Hồ Cầu 38 là hồ chứa nước tự nhiên, thượng nguồn thủy điện Thác Mơ, ngoài liên quan đến vấn đề an toàn, chúng ta còn phải đảm bảo hệ sinh thái, tránh tác động xấu làm ô nhiễm môi trường nước... vì hồ còn phục vụ nước tưới tiêu cho nhiều xã trong khu vực. Vì tính chất quan trọng của hồ, thiết nghĩ, cần sự vào cuộc trấn chỉnh kịp thời của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, để đảm bảo an toàn hồ trước lúc quá muộn.
Phóng viên đã liên lạc đặt lịch hẹn với Chủ tịch huyện Bù Đăng để có những thông tin đầy đủ hơn về vụ việc, nhằm trả lời dư luận nhưng chủ tịch huyện cho biết trong vài ngày tới ông không có thời gian.
Phóng viên ghi lại thêm một số hình ảnh đang san lấp, xây dựng tại đây.
Còn đây là một công trình san lấp, có dấu hiệu lấn chiếm lòng Hồ Cầu 38, tại Ấp 4, xã Minh Hưng
Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin.