Thông điệp ấy nhận được sự đồng tình từ người dân và dư luận bởi nó cần thiết để hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, sạch, đẹp.
Giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, cụm từ ấy đã trở thành quen thuộc trong những năm qua. TP Hà Nội đã ban hành rất nhiều văn bản, chỉ thị và tổ chức hàng loạt các đợt ra quân để xử lý vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các kế hoạch trên đều không đạt được kết quả như mong muốn. Bởi sau đó mọi việc lại đâu vào đấy, lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra.
Tháo dỡ biển quảng cáo tạo thông thoáng vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông. |
Sở dĩ có tình trạng trên là do TP chưa kiên quyết, các quận, phường thiếu quan tâm và có cả nguyên nhân từ lợi ích của một bộ phận cán bộ cơ sở. Như người đứng đầu chính quyền TP đã khẳng định câu chuyện xử lý vi phạm trật tự đô thị chúng ta đã nói rất nhiều trong thời gian qua. Giờ không bàn nhiều, các đơn vị chức năng bám đúng vào Chỉ thị 14/CT-TU (ngày 12/12/2012) của Thành ủy để thực hiện, đảm bảo đạt hiệu quả cao và bền vững. Và cách làm của Hà Nội lần này là không ra quân ồn ào, nhưng sẽ làm quyết liệt, mang tính bền vững để người dân "tâm phục, khẩu phục", có ý thức xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch đẹp. Thực tế cho thấy, để giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè không thể làm theo phong trào, một hai ngày là xong, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong kế hoạch, TP cũng chỉ rõ trách nhiệm trong quản lý vỉa hè thuộc chủ tịch, trưởng công an các phường; cách làm, các bước tiến hành cũng được nêu ra rất cặn kẽ với một yêu cầu là kiên trì. Trước hết là tuyên truyền đến từng hộ dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức và đồng thuận, rồi kiểm tra, giám sát để người dân có thời gian khắc phục, cuối cùng mới là cưỡng chế và xử phạt nghiêm đối với tất cả các vi phạm.
Cách làm ấy nhận được sự ủng hộ của dư luận và người dân vì nó thấu tình, đạt lý. Bởi không thể bền vững nếu các hộ kinh doanh không tự nguyện cam kết tham gia giữ gìn trật tự đô thị, trật tự công cộng, tự nguyện phá bỏ các công trình vi phạm trên vỉa hè, dưới lòng đường, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che mái vẩy gây mất mỹ quan đô thị… Và cùng với đó, thông điệp về sự mạnh tay loại trừ các lợi ích cá nhân, thậm chí giám sát hiện tượng “bảo kê” từ chính lực lượng kiểm tra cũng được đưa ra khiến người dân tin tưởng hơn vào quyết tâm của TP. Vì nếu còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, còn để ùn tắc giao thông, TP nhếch nhác, bẩn thỉu, VSMT như hiện nay, Hà Nội sẽ mất đi văn hóa của một TP văn minh. Từ quyết tâm của TP, nhiều người kỳ vọng rằng, với sự gương mẫu, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan và lực lượng chức năng, lan tỏa đến sự tự giác của người dân, khi đó trật tự vỉa hè sẽ được quản lý theo đúng nghĩa.