Hội chợ có quy mô khoảng 140 gian hàng (tiêu chuẩn) của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của thành phố Hà Nội. Các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ gồm: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng công nghiệp nông thôn của Thủ đô; Tổ chức kết nối giao thương tại Hội chợ.
Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn có chất lượng cao, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa nông thôn bền vững.
Hà Nội lần đầu tổ chức ‘Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn Thủ đô năm 2023’. Ảnh minh họa
Sở Công Thương Hà Nội cho hay, các sản phẩm trưng bày tại hội chợ là sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố. Sản phẩm tham gia trưng bày phải đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã chủng loại, thu hút va tạo ấn tượng đối với khách thăm quan, giao dịch tại Hội chợ.
Công tác thiết kế, bố trí không gian trưng bày tại Hội chợ đảm bảo khoa học, ấn tượng, thẩm mỹ. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thiết kế và trang trí gian hàng theo không gian mở nhằm tạo ấn tượng và thu hút khách tham quan. Việc chuẩn bị sản phẩm, bài trí gian hàng, công các đón và giao dịch với khách của các đơn vị tham gia Hội chợ phải đảm bảo tính chuyên nghiệp.
Theo Ban tổ chức, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội, các Nghệ nhân của Hà Nội được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Hà Nội được hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng, tối đa không quá 4 gian hàng/cơ sở hoặc Nghệ nhân.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, khoa học công nghệ của đất nước, một trong hai đầu tàu tăng trưởng, chiếm 16,2% GRDP của cả nước. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 308 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, công nghiệp nông thôn có vị trí quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế.
Do vậy, phát triển công nghiệp nông thôn có vai trò rất lớn trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Hà Nội, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.