Gia đình ông Nguyễn Thanh Tòng, ngụ ấp Kinh Trên (xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) chuyển qua nuôi "gà chạy bộ" từ 4 năm nay. Hiện tại, ông Tòng có 3 chuồng nuôi tổng cộng 6.000 con gà. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất 2,5 lứa với tổng lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Gà được chăm sóc cẩn thận với quy trình khép kín. |
Ông Tòng cho biết: “Trước đây gia đình tôi sống bằng nghề chăn nuôi heo, tuy nhiên 3 năm liên tiếp đều bị thua lỗ do giá cả bấp bênh. Khi Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công thành lập, tôi chuyển qua nuôi gà “chạy bộ” có ký hợp đồng với doanh nghiệp để đưa vào siêu thị, giá cả ổn định nên phát triển đàn tới giờ”.
Theo ông Tòng, giống gà này là gà ta Gò Công nổi tiếng từ xưa ở địa phương. Tuy nhiên, gọi là gà “chạy bộ” vì nuôi với số lượng lớn nhưng vẫn giữ được cách nuôi truyền thống của người dân trước đây. Gà nuôi được thiết kế chuồng và khoảng sân rộng để thường xuyên cho gà “chạy bộ” ra ngoài như cách nuôi thả vườn. Vì vậy, sản phẩm thịt đảm bảo sạch và ngon.
Thông thường chuồng gà 150 m2 có thể thả nuôi 1.000 con gà nhưng bắt buộc phải có khoảng sân 300 m2 hoặc lớn hơn để gà chạy ra ngoài.
Anh Võ Văn Tân chỉ vào đàn gà gần 500 con hơn 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Anh Tân cười tươi nói: "Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì khoảng 2 tháng nữa là có thể bán được, con to cũng trên 2kg. Thời điểm cận Tết Nguyên đán nhu cầu người tiêu dùng nhiều, gà hút hàng, giá sẽ tăng cao. Năm nào cũng vậy, tôi canh đợt tết để xuất chuồng, vừa được giá cao, vừa có thêm thu nhập tiêu tết".
Anh Tân cho gà ăn. |
Với anh Tân, nuôi gà thả vườn không quá khó, chủ yếu phải tuân thủ tiêm ngừa đầy đủ để phòng tránh một số bệnh thông thường như bệnh cúm, dịch tả, thương hàn. Sau mỗi đợt xuất chuồng phải tiến hành vệ sinh vườn, rải vôi bột khử trùng, để vườn trống khoảng một tháng mới bắt đầu thả gà cho vụ nuôi kế tiếp.
Ngoài ra, anh Tân còn tận dụng đất trống trồng thêm mít Thái, măng cụt, nhãn tiêu da bò... vừa tăng thêm thu nhập, vừa có bóng mát cho gà lại có cành cây cho gà leo trèo vận động, giúp gà khỏe mạnh. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, vườn cây ăn trái và việc chăn nuôi gà cũng mang về cho anh gần 100 triệu đồng.
Hiện tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công có 40 xã viên nuôi gà ở huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Mỗi năm, các xã viên nuôi khoảng 200.000 con gà thịt được một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đưa vào siêu thị. Khi đó doanh nghiệp ký hợp đồng với xã viên với giá 55.000 đồng/kg gà trống và 70.000 đồng/kg gà mái. Vì vậy, người nuôi đảm bảo được bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận khá cao.
Gà được thả ra ngoài sân vườn khi lớn lên, giúp thịt ngon và sạch hơn. |
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cho biết: “Trước đây, người dân ở địa phương nuôi gà tự phát, bán cho thương lái nên đầu ra không ổn định. Sạu đợt dịch năm 2006 thì đã bỏ nghề gần hết. Năm 2007, hợp tác xã thành lập để khôi phục nghề, vận động bà con chăn nuôi, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Từ 16 xã viên ban đầu đến nay đã tăng lên 40 xã viên, lợi nhuận năm 2015 lên đến 2,4 tỷ đồng. Tất cả các xã viên đều có lợi nhuận rất cao nhờ nuôi gà sạch”.
Mới đây, hợp tác xã được UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ chương trình nuôi gà an toàn dịch bệnh và gửi hồ sơ để được công nhận gà VietGap nhằm phát triển bền vững nghề nuôi gà ở địa phương.