Tham gia buổi Giao lưu có:
1. Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội
2. Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội)
3. Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Luật sư, Chủ tịch Hội luật gia TP Hà Nội
Đồng chí Nguyễn Minh Đức (bên trái), Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị tặng hoa các khách mời. |
Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu trước khi cuộc giao lưu diễn ra: Kính thưa các khách mời, đồng chí và đồng nghiêp, chỉ còn hơn 1 tuần nữa chúng ta bước vào ngày hội lớn đó là bầu cử ĐB QH và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Những ngày này, cả nước và Hà Nội đang sống trong bầu không khí rạo rực, làm việc miệt mài từ cơ quan bầu cử tới chính quyền các cấp với nguyên tắc quyền lực của Nhân dân phải được ủy quyền, tín nhiệm giao cho chính quyền các cấp. Đó là đại biểu quốc hội, HĐND, những người đại biểu sẽ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân để xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước vì dân, đưa lại hạnh phúc cho Nhân dân, bản chất của Nhà nước chúng ta được Chủ tịc Hồ Chí Minh đưa vào Hiến pháp 1946, nhà nước do dân, vì dân. Tư tưởng đó của Bác vẫn đang cuộn chảy đến ngày hôm nay. Trong không khí như vậy, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi tọa đàm giao lưu trực tuyến “Để bầu cử là ngày hội thực sự của toàn dân”.
Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu trước khi cuộc giao lưu trực tuyến “Để bầu cử là ngày hội thực sự của toàn dân” |
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các khách mời đã bớt thời gian quý báu của mình tới buổi tọa đàm hôm nay với tinh thần thực sự là đại biểu Nhân dân, hướng đến tinh thần dân chủ, đưa lại cho người dân những thông tin quan trọng liên quan đến bầu cử về QH và HĐND.
Mong rằng các đại biểu sẽ có ý kiến sâu sắc, gần dân để góp phần vào việc tuyên truyền thành công kỳ bầu cử quốc hội, HĐND sắp tới. Đặc biệt, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Bác Vũ Mão người rất gắn bó với việc khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam, đưa Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta... Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn các khách mời và các vị đại biểu.
- Nguyễn Trần Hằng - Hoàn Kiếm. Email: tranhang901@gmail.com
Là một người có nhiều năm hoạt động trong Quốc hội, từng đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư, ông đánh giá thế nào về việc triển khai cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, với nhiều điểm mới theo tinh thần Hiến pháp 2013?
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:
Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các công việc từ chuẩn bị, ban hành văn bản, hướng dẫn, đến việc triển khai của các cấp đề được thực hiện rất bài bản, đúng thời gian. Đây là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tới khóa XIV rồi, nên chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, những gì là nhược điểm đã được khắc phục và đang cố gắng phát huy cái tốt. Lần này chúng ta cũng có những cố gắng để đảm bảo công khai, dân chủ tốt hơn. Điều thể hiện rõ nhất là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND và các văn bản hướng dẫn được ban hành, đã có nhiều tiến bộ, công khai, dân chủ hơn trong đời sống chính trị của đất nước. Tôi nghĩ rằng đây là điểm tốt và tin rằng ở cuộc bầu cử lần này, những vấn đề về dân chủ, công khai được đảm bảo, cuộc bầu cử ĐB Quốc hội cũng như HĐND có chất lượng, sẽ chọn ra được những ĐB xứng đáng làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là điều chúng ta mong muốn và cố gắng triển khai để đạt yêu cầu đó. Tuy nhiên, từ nhiều khóa nay, tôi thấy cuộc bầu cử nào cũng gấp gáp, căng thẳng. Chính thời gian gấp gáp như vậy đã ảnh hưởng đến quy trình, thủ tục và cả chất lượng bầu cử. Ví dụ thời gian làm thủ tục của người được đề cử hoặc là tự ứng cử rất ngắn. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác cũng chỉ với thời gian rất ngắn. Cách thức lấy ý kiến của cử tri cũng không có gì mới, tức là chỉ là một số ít cử tri chứ không phải là số đông cử tri ở khu dân cư đó được đóng góp ý kiến. Rồi tới đây tại giai đoạn những ứng cử viên được đưa vào danh sách để giới thiệu về những đơn vị bầu cử thì thời gian tiếp xúc cử tri, thời gian vận động bầu cử cũng không có nhiều. Theo tôi, đó là những hạn chế mà các cơ quan chỉ đạo bầu cử cần nghiên cứu để sớm khắc phục.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trả lời trực tuyến |
- Trịnh Thanh Thủy - Đống Đa, Hà Nội
Đếm ngược chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức diễn ra, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại Hà Nội đến nay đang được tiến hành ra sao và những công việc trọng tâm từ nay đến ngày 22/5/2016?
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội):
Hôm nay đã là ngày 6/5, như vậy chỉ còn 16 ngày nữa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức diễn ra, TP Hà Nội đã chủ động, nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các bước công việc, chuẩn bị cho ngày bầu cử 22/5 theo đúng quy định của Luật bầu cử. Những công việc trọng tâm từ nay đến ngày 22/5/2016 như sau: - Tăng cường tuyên truyền về cuộc bầu cử, về tiểu sử ứng cử viên, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi cấp để cử tri được biết. - Thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử. - Có kế hoạch, phương án về giao thông, điện lực, thông tin liên lạc đảm bảo phục vụ tốt cho cuộc bầu cử. - Tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri để vận động bầu cử. - Tổ chức cho cử tri học tập Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, mạn đàm về cơ cấu, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, danh sách, tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. - Tăng cường công tác kiểm tra việc chuẩn bị cho ngày bầu cử ở địa phương. Phân công cán bộ, công chức xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo cho đến khi kết thúc công tác bầu cử. - Các tổ chức phụ trách bầu cử tập huấn kỹ nghiệp vụ bầu cử như quy trình tổ chức trong ngày bầu cử, quy trình kiểm phiếu, lập biên bản, tổng hợp kết quả bầu cử… , - Tổ bầu cử thông báo thường xuyên cho cử tri biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu, phát thẻ cử tri cho cử tri; bố trí và trang trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho ngày bầu cử.
Nói chung, các Tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan, tổ chức hữu quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình chuẩn bị chu đáo và làm tốt từng khâu, từng việc, sẵn sàng cho ngày bầu cử; đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn TP diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tỉ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số đại biểu, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
- Trần Thu Huế - Đan Phượng, Hà Nội. Email: thuhue95@gmail.com
Việc bỏ phiếu ở nơi khác được quy định như thế nào?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Việc bỏ phiếu ở nơi khác, Luật bầu cử Đại biểu quốc hội, Đại biểu Nhân dân quy định như sau: Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ là “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
- Cao Thanh Huyền - Hoài Đức - Hà Nội. Email: huyenlaixa82@gmail.com
Việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân được thực hiện như thế nào?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Tôi xin trả lời câu hỏi này như sau: Quy trình xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thực hiện như sau: 1. Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội. 2. Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Luật sư, Chủ tịch Hội luật gia TP Hà Nội trả lời trực tuyến |
- Ngô Thị Bảo Ly - Hà Đông, Hà Nội
Tính dân chủ của cuộc bầu cử lần này cũng thể hiện ở việc số người tự ứng cử rất cao. Đây được coi là một yếu tố tốt để lựa chọn được những ứng cử viên chính thức tiêu biểu nhất. Ông có nhận xét gì về việc này?
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội::
Theo quy định Hiến pháp của ta, người đủ 21 tuổi trở lên đều được ứng cử (bao gồm cả được đề cử và tự ứng cử). Điều đó thể hiện tính dân chủ của chế độ ta. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, đã có nhiều người tự ứng cử được trúng cử. Có 2 đại biểu ở tuổi 22 trúng cử đại biểu Quốc hội là ông Nguyễn Đình Thi và ông Đào Thiện Thi. Họ đều là đại biểu trẻ nhưng có tài năng và uy tín. Việc công dân tự ứng cử, nhất là người ngoài Đảng là cần thiết và chúng ta khuyến khích điều đó. Tuy nhiên, tỷ lệ người ngoài Đảng là ứng viên vẫn chưa được như chúng ta mong muốn. Vì thế, chúng ta mong muốn những người tự ứng cử là người ngoài Đảng để có được cơ cấu hợp lý. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, tôi thấy có mấy vấn đề cần lưu ý là điều kiện của người tự ứng cử còn dễ dãi quá, không có một điều kiện ràng buộc nào. Như các nước, người muốn tự ứng cử thì phải có một số điều kiện như, phải lấy được đủ chữ kí của 100 người hoặc 1000 người ủng hộ. Hoặc như người tự ứng cử phải có một khoản kinh phí cho bộ máy bầu cử hoạt động, sau khi trúng cử thì được lấy lại khoản tiền đó, còn nếu không trúng cử thì không được lấy lại. Một số nước quy định số tiền này là 500 USD hoặc 1.000 USD. Nhưng trong Luật bầu cử của chúng ta không có những điều đó. Tôi nghĩ, sau này phải có những điều kiện tối thiểu này để sàng lọc người tự ứng cử tốt hơn. Từ trước đến nay, bao giờ ta cũng mong đợi số người tự ứng cử, số người ngoài Đảng có một tỷ lệ trúng cử hợp lý, ít nhất là 10% có nghĩa là có 500 đại biểu Quốc hội thì phải có ít nhất 50 là người ngoài Đảng hoặc là 50 người tự ứng cử được trúng cử. Tuy nhiên, thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, lần đạt cao nhất là 4 đại biểu trúng cử, chưa đạt tới 1%. Trong cuộc bầu cử năm nay, tại Hà Nội, trong số 48 người tự ứng cử, qua hiệp thương chỉ còn có 2 người. Đây là con số rất đáng chú ý. Dù tiêu chuẩn của Hà Nội so với các địa phương khác cao hơn nhưng nên cân đối con số này hợp lý hơn. Theo tôi, con số người ứng cử ngoài Đảng qua vòng hiệp thương nên là 5 người với cơ cấu doanh nghiệp, kỹ sư, bác sĩ… Còn nhớ đến cuộc tổng tuyển cử năm 1946, bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người ứng cử ngoài Đảng rất đặc biệt. Tuy trượt Quốc hội khóa I nhưng ông vẫn tiếp tục kiên trì và sau đó là Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, đóng góp rất nhiều cho quá trình lập pháp trong nhiều năm. Liên quan đến cơ cấu đại biểu, cần giảm bớt tỷ lệ bởi vẫn còn tình trạng một người phải gánh nhiều cơ cấu như trẻ, nữ, dân tộc…
- Lê Thu Quế - Đông Anh
Hà Nội có rất nhiều khách du lịch cũng như những người từ nơi khác đến công tác. Nếu có trường hợp, một khách vãng lai đến Hà Nội trước thời gian bỏ phiếu 24 giờ và không kịp trở về địa phương nơi đã đăng ký danh sách cử tri vào đúng giờ bầu cử, nên mong muốn được bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội. Vậy người ấy sẽ được nhận thẻ cử tri như thế nào và bỏ phiếu tại đâu, bầu mấy cấp?
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội):
Theo quy định của điều 34 Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định rõ những trường hợp cử tri như vậy. Cụ thể, từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Do đó, cử tri đến Hà Nội công tác hoặc du lịch … mà ngày bầu cử không kịp về địa phương nơi mình cư trú để bỏ phiếu, thì cử tri cần chủ động xin Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác của UBND cấp xã nơi mình được ghi tên vào danh sách cử tri và đến UBND cấp xã nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu, xuất trình Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (bầu 2 cấp) theo quy định của Luật.
- Văn Mai Trang - Long Biên
Là một cử tri có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, lần đầu tiên đi bầu cử, vậy tôi được bầu mấy cấp và hình thức bầu cử sẽ như thế nào?
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội):
Theo tôi, lần đầu tiên đi bầu cử bạn sẽ cảm thấy háo hức, mong đợi, vinh dự, tự hào và một chút bỡ ngỡ…. là cảm xúc của hầu hết của bạn trẻ lần đầu tiên được đi bầu cử; lần đầu đi bầu cử là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của bạn. Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Là cử tri có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, bạn sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình thường trú và được bầu 4 cấp (được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội; bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp Thành phố, cấp huyện và cấp xã). Trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử sẽ phát Thẻ cử tri cho cử tri. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay trừ trường hợp quy định khác của Luật; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri; khi bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) trả lời trực tuyến |
- Phạm Tiến Dũng - Hai Bà Trưng, Hà Nội. Email: tiendungpham2577@gmail.com
Ngày 22/5 sẽ là ngày cử tri đi bỏ lá phiếu của mình để chọn ra người đại diện của dân. Bầu cử vừa thể hiện quyền công dân, vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cử tri. Nhưng việc cử tri không biết mặt ứng cử viên, chỉ nghe loáng tháng nên không quan tâm lắm. Rồi việc đi bầu 4 cấp, số lượng lớn, làm sao họ cân nhắc bầu người này không bầu người kia trong một thời gian ngắn, nên xảy ra tình trạng gạch đại. Vậy theo bà, làm thế nào để phát huy trách nhiệm của mỗi cử tri trước lá phiếu khi bầu cử?
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội):
Theo tôi, trước hết phải tuyên truyền làm cho cử tri thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; để nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia cuộc bầu cử; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; Tổ chức cho cử tri học tập Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, mạn đàm về cơ cấu, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, danh sách, tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; quy trình bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử. UBBC các cấp đã niêm yết danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt (có ảnh) của các ứng cử viên tại các khu vực bỏ phiếu và sẽ gửi đến các hộ gia đình danh sách trích ngang của các ứng cử viên đại biểu Quốc Hội và HĐND Thành phố theo từng đơn vị bầu cử, để cử tri có thời gian nghiên cứu, xem xét, lựa chọn. Ban Thường trực UBMTTQ sẽ phối hợp với UBND các cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri để các ứng cử viên báo cáo chương trình hành động và vận động bầu cử. Đài Phát thanh và Truyền hình Thành phố, Đài Truyền thanh các quận, huyện, thị xã, Đài truyền thành các xã, thị trấn, các đội thông tin lưu động tiếp tục tuyên truyền về tiểu sử các ứng cử viên, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi cấp. Ngoài ra, thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình chính là trách nhiệm xã hội lớn lao của mỗi cử tri. Do đó, tôi tin rằng các cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, tiêu biểu, đại diện cho mình vào Quốc hội và HĐND các cấp.
- Trần Huyền Trang - Khâm Thiên - Đống Đa - Hà Nội. Email: trangcn@gmail.com
Bạn đọc có thắc mắc về các phương thức xử lý vi phạm trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Ở nước ta, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và quyền bầu cử ứng cử của công dân nói riêng được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, mọi hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử, xâm phạm đến quyền bầu cử, ứng cử của công dân đều bị xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hình thức lỗi, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ và hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu người vi phạm là đảng viên thì căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm; mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng để xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử được coi là tội phạm và bị xử lý như: Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân được quy định tại Điều 126. Theo đó, người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử được quy định tại Điều 127: Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo được quy định tại Điều 132: Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo. Người nào trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. Nếu người vi phạm là đảng viên thì tùy theo nội dung, hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định tại Điều 8 Quy định 181- QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên và Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 6-6-2013 của UBKT Trung ương Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định số 181- QĐ/TW. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm các quy định về bầu cử, theo Quy định số 181- QĐ/TW, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: - Được phân công nhiệm vụ trong tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử. - Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, thủ tục về bầu cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử. - Cố ý không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình về bầu cử theo quy định của pháp luật, có hành vi làm mất an ninh trật tự nơi bầu cử. - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn tác động, gây áp lực đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để đề cử người thân của mình vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định trên đây mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): - Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép. - Tổ chức lực lượng, phe nhóm, dòng họ, cục bộ để vận động người tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trái quy định. - Có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt nhân sự, nhưng đưa người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. - Không trung thực trong việc kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử; có hành vi gian dối trong thực hiện các quy định về bầu cử. - Có hành vi mua chuộc, xúi giục, cưỡng ép người khác hoặc vận động bầu cử trái quy định; cản trở, đe dọa người khác thực hiện quyền ứng cử, đề cử hoặc bầu cử theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. - Không trung thực trong việc kê khai hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch, tài sản, thu nhập của người ứng cử theo quy định về bầu cử. Trường hợp có hành vi vi phạm nêu trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng các thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử. Có hành vi, việc làm nhằm phá hoại cuộc bầu cử, như: vận động bầu cử không đúng quy định. Đảng viên cố tình không đi bầu cử, có hành vi ngăn cản, đe dọa, cưỡng ép người khác không thực hiện quyền ứng cử, đề cử và bầu cử. Có các hành vi, việc làm khác nhằm phá hoại cuộc bầu cử như: hủy hoại các tài liệu, văn bản, thông báo... về bầu cử; làm sai lệch hoặc tác động làm sai lệch kết quả bầu cử.
- Nguyễn Văn Minh - Hoàng Mai
Đối với công dân già, ốm yếu không đi được đến địa điểm bầu cử thì sẽ thế nào?
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội):
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, ttrong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu cử, thực hiện việc bầu cử.
- Đào Hoàng Hà - Chương Mỹ, Hà Nội. Email: hoangha3honglinh@gmail.com
Từ kinh nghiệm thực của những lần bầu cử khác. Có những vấn đề gì dễ phát sinh trong ngày bầu cử cần phải lưu ý để ngày bầu cử là ngày hội toàn dân?
Bà Hà Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội):
Từ kinh nghiệm từ các kỳ bầu cử trước, để tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp đạt kết quả tốt, thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, không để phát sinh các vấn đề lớn trong ngày bầu cử, theo tôi UBBC các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung sau: - Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho cuộc bầu cử; - Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi diễn biến phức tạp, mọi hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. - Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo về bầu cử; - Tăng cường công tác kiểm tra theo từng giai đoạn theo quy định của Luật bầu cử ở các địa phương; - Chuẩn bị tốt về kinh phí phục vụ bầu cử, cơ sở vật chất, các tài liệu… phục vụ cho cuộc bầu cử - Tập huấn kỹ nghiệp vụ cho UBBC cấp huyện, cấp xã; các Ban bầu cử, Tổ bầu cử. - Thực hiện tốt bước công việc, thời gian quy định theo Kế hoạch của UBBC Thành phố; hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Luật bầu cử. - Vận động cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình - Tổ chức khai mạc, tiến hành bỏ phiếu, kiểm phiếu, tổng hợp kết quả bầu cử và xử lý các tình huống xảy ra trong ngày bầu cử đúng theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
- Đoàn Thư - Bắc Giang
Trước một nhiệm kỳ mới, nhìn lại một nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, nhiều ĐB đã chia sẻ, ngoài những điều đã được làm được, Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn còn những “món nợ” với cử tri. Ông nghĩ sao về những tâm tư này?
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội:
Tôi đồng tình và chia sẻ với các ĐBQH có tâm tư như vậy. Tôi thấy các ĐB phát biểu rất chân thực, phản ánh đúng những điều được và chưa được trong hoạt động của Quốc hội. Sau 30 năm Đổi mới, vai trò của QH đã quan trọng hơn. Dù Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo nhưng QH đã đóng vai trò xem xét những vấn đề hành pháp quan trọng, góp phần lớn vào thành tựu của công cuộc Đổi mới. Đúng là trong 5 năm qua, Quốc hội đã làm được nhiều việc, đây là một nhiệm kỳ có nhiều hoạt sôi động sôi nổi với nhiều sáng kiến, đạt kết quả tốt. Nó cũng phản ánh tiến trình tiếp tục đổi mới ở Quốc hội theo tinh thần khóa sau kế thừa những thành quả khóa trước đã làm được. Tuy nhiên, đây vẫn là luật khung, chưa đi vào cuộc sống. Theo tôi, 3500 giấy phép "con" là điều đáng suy nghĩ, là điều đáng phê phán khi nó cản trở doanh nghiệp, Nhân dân làm ăn và làm giàu chính đáng. Quốc hội vẫn chưa làm tròn trách nhiệm lập pháp của mình. Luật phải chờ các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, hoặc Thông tư hướng dẫn của liên Bộ thì luật mới vào cuộc sống. Hay trong giám sát dù tiến bộ nhưng vẫn chưa phải là tốt. Ví dụ như vấn đề nợ công, tham nhũng, an toàn thực phẩm, nông sản hàng hóa, công bằng xã hội…vẫn còn rất nhiều nhức nhối. Tôi nghĩ các phát biểu của ĐB là tâm huyết, chân thực và những bài học kinh nghiệm đó đòi hỏi Quốc hội Khóa XIV phải giải quyết bằng được. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề ngân sách, QH cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình khi để nợ công, nợ nước ngoài tăng cao. Vai trò giám sát của QH chưa đi đến cùng. Với tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình, hết lòng với công việc đã được Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên vẫn còn một số “khoảng trống” trong hoạt động của cơ quan lập pháp cần phải rút kinh nghiệm để bổ sung trong khóa XIV. Trong đó có những tồn tại “kinh niên” như nhiều việc chưa được đi đến cùng. Khách quan mà nói, trong nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu được các hiện tượng nhưng quy trách nhiệm thì chưa rõ ràng, chưa đi đến cùng. Ví dụ, vấn đề tiêu thụ nông sản bức xúc lắm. Chúng ta đang có mô hình rất hay là mô hình 4 nhà: Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học và nông dân. Nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đã nêu ở Quốc hội nhiều lần, chất vấn nhiều lần nhưng chưa đi đến cùng. Ngay trong các phiên họp của Quốc hội gần đây, cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn chưa dứt và Quốc hội cũng không có nghị quyết về vấn đề này.
- Chu Thùy Giang - Tây Hồ - Hà Nội. Email: giangkt@gmail.com
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo các tiêu chuẩn nào?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể như sau: 1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. 4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Lê Mạnh Thắng - Ứng Hòa - Hà Nội. Email: thang80@gmail.com
Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
1. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 2. Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu. 3. Các trường hợp có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng: a) Đơn vị vũ trang nhân dân; b) Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên; c) Cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam. 4. Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện quyết định.
- Nguyễn Thành Nam - Đức Thắng - Hưng Yên. Email: namnguyen123@gmail.com
Những trường hợp nào không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử. Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử đó ra quyết định xóa tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.
- Nguyễn Hữu Tâm - Cẩm Phả - Quảng Ninh. Email: huutam65@gmail.com
Những trường hợp nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri gồm: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.
- Đoàn Liên Phương - Hai Bà Trưng - Hà Nội. Email: lienphuong34@gmail.com
Việc vận động bầu cử được thực hiện theo những nguyên tắc nào?
Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội:
Việc vận động bầu cử được tiến hành theo những nguyên tắc sau đây: 1. Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 2. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. 3. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Cám ơn các vị khách mời và bạn đọc đã tham gia buổi giao lưu - tọa đàm trực tuyến: “Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân”
Báo Kinh tế & Đô thị online sẽ tiếp tục tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn