Cụ thể đối với than trong nước, theo chỉ thị 21 của Thủ tướng chính phủ, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chỉ mua than của 2 đơn vị là Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam và than Đông Bắc. Kế hoạch sản xuất năm 2019 sẽ tiêu tốn khoảng 54 triệu tấn than, trong đó 10 triệu tấn than nhập khẩu và 44 triệu tấn than trong nước. Hiện tại, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam và than Đông Bắc không cung cấp đủ và dự kiến thiếu 8 triệu tấn.
Nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện gặp khó khăn |
EVN đã đề xuất chính phủ cho nhập khẩu trực tiếp than để bù vào phần thiếu mà TKV và than Đông Bắc không cung cấp được và đã nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên giá thành sẽ phải tính lại. Bởi theo bản chào giá của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, giá than của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam bán cho EVN áp dụng từ 5.12.2018 dự kiến tăng 5%. Trong khi đó, nguồn nước phục vụ cho thủy điện lại đang thiếu do chịu tác động của thiên nhiên, năm 2019 được dự báo sẽ là năm khô hạn. nguồn thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh. Khi đó, điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt sẽ lại chuyển sang các nguồn khác như nhiệt điện. Đây sẽ là một thách thức trong năm 2019, bởi giá điện nhiều khả năng sẽ tăng khi 2 nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện đều khó khăn
Bên cạnh đó, việc các đầu tư nước ngoài vào nhanh và nhiều tập trung ở khu vực miền bắc cũng khiến nhu cầu điện tăng vọt. Tăng trưởng điện năm 2018 vẫn tăng 10% so với năm ngoái và được dự đoán tiếp tục tăng trong năm tới.
Giá điện sẽ tăng năm 2019? |
Với những khó khăn trong nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện, nhiều câu hỏi đặt ra liệu giá điện có tăng trong thời gian tới? Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, theo Quyết định 24 của Chính phủ, Bộ sẽ ban hành kế hoạch cung ứng điện trong năm 2019 bằng văn bản chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều hành giá điện trong năm tới. Cụ thể, nếu chi phí tăng 3 - 5%, EVN sẽ được quyền quyết định giá; từ 5 - 10%, Bộ Công thương sẽ thẩm định và báo cáo Ban điều hành giá của Chính phủ. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án giá điện, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra đánh giá ảnh hưởng việc tăng giá điện đối với sinh hoạt của nhân dân, các hộ sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều điện để có phương án tăng và thời điểm tăng phù hợp.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỷ kWh. Trong đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh là hơn 291.200 tỷ đồng, doanh thu bán điện là 289.900 tỷ đồng. Như vậy, EVN bị lỗ 1.300 tỷ đồng, dù giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.