Theo ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19, đợt dịch này tình hình nghiêm trọng hơn nhưng bất ngờ là tỉ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin lại rất lớn.
Ông Trung cho biết: “Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc Covid-19) không hợp tác với chúng tôi trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết... khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn”.
Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc Covid-19) không hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình truy vết.
Sáng 1/2, Bộ Y tế phát đi thông báo kêu gọi người dân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam rơi vào đợt bùng phát dịch thứ ba. Rất nhiều tổn thất không thể kể được bằng con số như trường học đóng cửa, lao động mất việc, toàn dân lo âu mất tết.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tình hình dịch Covid-19 trong nước hiện nay đang rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong việc khai báo y tế, trốn tránh cách ly... Thậm chí có cả những trường hợp F0 còn chặn số cuộc gọi từ Bộ Y tế, từ chối cung cấp thông tin. Tất cả hành vì này có thể dẫn tới dịch bệnh bùng phát trầm trọng hơn.
F0, F1 cố tình trốn hoặc không khai báo có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Luật sư (LS) Bùi Viết Nông, Đoàn LS TP Hồ Chí Minh, cho rằng quy định hiện hành có đầy đủ biện pháp chế tài để xử lý những hành vi trên.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế. Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì F0 là người được xác định nhiễm SARS-CoV-2. F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0.
LS Nông nói: Hành vi không khai báo hoặc khai báo gian dối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Về hình sự, theo LS Nông, hành vi trên có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS 2015; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS 2015.
Về hành chính, Nghị định 117/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã có chế tài cụ thể cho hành vi cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối. Theo nghị định này, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh thì tùy từng trường hợp sẽ bị phạt tiền 500.000-1 triệu đồng, 1-3 triệu đồng hoặc 10-20 triệu đồng.
Cũng theo LS Nông, trong bối cảnh hiện nay cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định trên, xử lý nghiêm khắc để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Ngoài ra, mỗi cá nhân, mỗi người dân phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Truyền thông, báo chí phải tuyên truyền về trách nhiệm cũng như hành vi chưa đúng đối với cộng đồng khi không khai báo y tế hoặc khai không trung thực.
Lực lượng chức năng cần ghi nhận, phát hiện sớm nhất có thể các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra phải triển khai giám sát, cách ly chặt chẽ hơn nữa; liệt kê đầy đủ danh sách tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm, kể cả những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bệnh.
Về hình phạt đối với vi phạm nói trên, luật sư Trần Xuân Hóa dẫn nội dung Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, quy định các mức phạt cụ thể như sau: 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm; b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”. Ngoài ra, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; b) Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật. |