Vượt định kiến, hái “quả ngọt”
Ngành công nghiệp tái chế nhựa vốn bị gắn mác làm ô nhiễm môi trường, song Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân (Duy Tân) lại là minh chứng cho được điều ngược lại. Chấp nhận đi con đường khó, Duy Tân đầu tư 60 triệu USD để xây dựng nhà máy nhựa tái chế với công nghệ “bottle to bottle”, đem lại vòng tuần hoàn lên tới 50 lần cho chai nhựa, hướng tới sản xuất xanh một cách bài bản.
Theo Giám đốc phát triển bền vững của Duy Tân Lê Anh, hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam không mới. Tuy nhiên, với những công nghệ cũ, lượng nhựa tái chế ra vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Để khắc phục những nhược điểm này, Duy Tân đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ "Bottle to Bottle". Trong đó mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa để dùng làm đầu vào sản xuất những chai nhựa mới, qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
"Nếu như sản xuất nhựa từ hạt nhựa nguyên sinh nhập khẩu, thì mỗi máy hoạt động độc lập và ra thành phẩm là bán được. Nhưng làm nhựa tái chế khó hơn rất nhiều. Các máy phải liên kết với nhau thành hệ thống đồng nhất. Mọi thứ phải được tính toán kỹ lưỡng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết. Nếu nhựa bình thường 6 phần thì làm tái chế phải 8-9 phần" - ông Lê Anh nói và nhấn mạnh, tuy nhiên, với 33 năm kinh nghiệm trong ngành, hiểu về nhựa, về hạt nhựa Duy Tân tự tin.
“Một khi đã quyết định làm là cứ làm tới, không nhìn lại, khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó. Đến nay thì các vấn đề khó khăn, rủi ro đều đã có cách giải quyết” - ông Lê Anh chia sẻ.
Khởi công xây dựng từ tháng 6/2019, nhà máy nhựa Duy Tân có diện tích 65.000 m2 tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An. Hiện nhà máy có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế. Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu 9.100 tấn/56%.
Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Hàng chục tấn rác thải nhựa mỗi ngày được Duy Tân thu mua và đưa vào tái chế, nỗ lực làm một vòng đời mới cho ngành nhựa, góp phần giúp Việt Nam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Ảnh: Tiểu Thuý
Tiên phong thực hiện kinh tế Xanh
Chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững là yếu tố then chốt mà Duy Tân hướng đến. Hiện Duy Tân đang được vận hành theo tiêu chí “3 không” trong quá trình sản xuất: không rác thải - không khí thải - không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp công ty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất. Thậm chí, nước thải của nhà máy Duy Tân còn được dùng để nuôi cá ở một không gian rộng lớn.
Nhờ những bước đi mạnh dạn trong chuyển đổi xanh, ngày 30/10/2023, Duy Tân vinh dự đạt Chứng nhận DN Công nghệ cao do Bộ Khoa học & Công nghệ cấp, và là DN đầu tiên được cấp chứng chỉ tín dụng xanh của HSBC. Đây là một trong những bước tiến quan trọng đối với Duy Tân nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng sản xuất, năng lực cạnh tranh và là bước khởi đầu cho kế hoạch phát triển trong tương lai.
Nói về hành trình chuyển đổi xanh, ông Lê Anh thừa nhận, Duy Tân cũng đối diện với nhiều thách thức như vấn đề phân loại rác tại nguồn của Việt Nam chưa tốt; Việt Nam chưa có công nghệ tái chế phù hợp, các công nghệ tái chế hiệu quả phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí khá cao; Bao bì chưa có tiêu chuẩn hóa và chưa thân thiện với công nghệ tái chế, chưa khuyến cáo phân rõ vật liệu dùng cho nắp chai, nhãn, keo để việc tái chế được thuận tiện và giảm chi phí, cũng như giảm hao hụt nguyên liệu trong sản xuất…Tuy nhiên, sau tất cả, vẫn may mắn vì còn đó sự đồng hành của Chính phủ, và sự quan tâm, đồng hành từ các DN hàng đầu.
“Tôi tin ngành tái chế công nghệ cao sẽ có sự thay đổi năng động hơn, DN dấn thân hơn, có thêm nhiều ngành tham gia, cùng nhau biến rác thải thành tài nguyên” - ông Lê Anh kỳ vọng.