|
Ảnh minh họa |
Giá xăng, dầu tăng đương nhiên chi phí vận tải tăng do làm tăng giá cước vận chuyển hàng hóa. Vì thế giá các mặt hàng chịu chi phí vận chuyển sẽ tăng theo. Nguyên lý tính toán giá tăng của từng mặt hàng bị tác động là, giá xăng tăng 5%, hàng hóa A có cơ cấu chi phí vận chuyển là 10%, khi đó giá tăng của A là 5% x 10% = 0,5%. Cách tính giảm giá hàng hóa do xăng giảm giá cũng tương tự nhưng chiều ngược lại.
Trong thực tế, lợi dụng sự mù mờ và sự dễ tính của người tiêu dùng nên mỗi lần xăng dầu tăng giá, thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng được đẩy giá lên, hoàn toàn không theo nguyên lý dây chuyền. Theo đó, như giả dụ ở trên, giá xăng tăng 5% thì giá hàng hóa A có thể tăng lên từ ít nhất 1% hoặc 2%, thậm chí tới 3 - 4% chứ không chỉ là 0,5% như nguyên lý của nó.
Phi lý hơn, có những hàng hóa không thuộc tác động của tăng giá xăng nhưng vẫn tăng giá theo. Khi giá xăng, dầu tăng, thị trường lợi dụng kích giá cao hơn để hưởng lợi. Lạ lùng thay, khi giá xăng, dầu giảm, giá các hóa chịu tác động lại không chịu giảm theo hoặc có giảm chút ít, nhưng rất chậm. Chẳng hạn, do tác động của giá dầu thế giới giảm sâu, giá xăng trên thị trường nước ta đã giảm tới 1.000 đồng/lít từ 15 giờ, ngày 6/11. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế thị trường, tại thời điểm ngày 12/11, đã 6 ngày mà giá hàng hóa tiêu dùng chịu tác động của giá xăng dầu chưa hề giảm theo. Một điều như quy luật, khi giá xăng dầu tăng, tốc độ tăng giá của các hàng hóa chịu tác động sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng giá xăng dầu. Ngược lại, khi giá xăng dầu giảm, các hàng hóa chịu tác động không chịu giảm giá hoặc giảm giá chút ít và rất chậm.
Đối với tăng lương, nếu tăng lương khu vực hành chính buộc phải tăng lương khu vực DN, như vậy là tăng lương đồng loạt cho người lao động. Khi đó, một cách tự phát của hiệu ứng thị trường, giá hàng hóa tiêu dùng ắt sẽ được người bán đẩy lên vì người tiêu dùng có sức mua cao hơn. Mặt khác, quy luật quan hệ giá - lương - tiền ở nước ta, lương tăng ắt giá sẽ tăng, dường như đã trong tiềm thức nhiều người. Chính vì vậy, khi có thông tin tăng lương, thậm chí thông tin tăng lương chỉ là kế hoạch, người bán lợi dụng đẩy giá lên. Câu hỏi đặt ra ở đây, liệu các cơ quan chức năng có nên thông báo kế hoạch tăng lương hàng năm quá sớm để thị trường lợi dụng và “nhờ gió, bẻ măng”? Thông báo kế hoạch tăng lương quá sớm, lúc đó sẽ trở thành con dao 2 lưỡi. Yếu tố tích cực là tạo niềm tin cho ngươi ăn lương, qua đó kích thích tăng năng suất lao động. Nhưng yếu tố tiêu cực là tác động của lợi dụng tăng giá hàng hóa tiêu dùng quá sớm. Hệ quả là lương đẩy giá, đến lượt, giá lên buộc lương phải lên.
Việc người bán lợi dụng tăng lương, tăng giá xăng, dầu để tăng giá quá mức nhằm trục lợi, thực ra đó là mặt trái của quy luật thị trường. Nhà nước chỉ hạn chế được nó thông qua hệ thống kiểm soát thị trường thường xuyên, nghiêm ngặt của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan thuế và quản lý thị trường.