Ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), ghi nhận của phóng viên, rất đông người dân tìm đến Di tích lịch sử Hoành Sơn Quan để du Xuân dịp Tết.
Du khách đặt chân đến Hoành Sơn Quan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và kỳ quan mà ông cha ta đã dày công xây dựng. Ngoài ra, đây còn là địa điểm linh thiêng để cầu bình an, sức khỏe và tài lộc cho gia đình và người thân trong những ngày đầu năm. Tương truyền, đây là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng thế đầu tiên.
Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đến di tích này để tham quan, chụp những bức hình lưu niệm cùng gia đình, bạn bè dịp đầu năm mới.
Di tích lịch sử Hoành Sơn Quan thuộc xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là một hùng quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang, ranh giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Không khí nơi đây luôn mát mẻ, dễ chịu, là địa điểm phù hợp cho việc du Xuân.
Cùng gia đình đi du Xuân, chị Trần Mỹ Linh (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào sáng mồng 1 Tết, tôi cùng gia đình sẽ viếng thăm đền thờ Công chúa Liễu Hạnh dâng hương, sau đó sẽ lên Hoành Sơn Quan...”.
Đứng từ “cổng trời” du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra phía Bắc cả một vùng đất thuộc xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) rộng lớn. Ngược lại, phía Nam là xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Người dân địa phương thường gọi di tích là "cổng trời" - nghĩa là điểm cao nhất của vùng đất này. Họ quan niệm lên đến Hoành Sơn Quan là có thể chạm tay đến bầu trời.
Theo lịch sử ghi chép, Hoành Sơn Quan được xây bằng gạch đá vào năm 1833 - dưới thời vua Minh Mạng nhằm kiểm soát người qua đường. Với đội quân xây dựng khoảng 300 người, do Bố Chính Trần Văn Tuân cai quản, được thực hiện hoàn thành trong 1 tháng. Sau khi hoàn thành luôn có 20 lính Quảng Bình thay phiên nhau túc trực, canh giữ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và dấu tích của chiến tranh, Hoành Sơn Quan giờ đây tuy không nguyên vẹn, rêu phong phủ kín nhưng vẫn sừng sững, uy nghiêm nơi đầu núi góc biển.
Hoành Sơn Quan là một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn được hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của địa phương.