Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang tiến hành khảo sát lại định mức về kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ này và tính lại giá tại thời điểm hiện nay.
Điều chỉnh giá 40 dịch vụ y tế: Cắt giảm những chi phí không cần thiết
“Giá 40 dịch vụ y tế sẽ được tính theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay. Theo đó, cái nào tăng sẽ tăng, cái nào giữ nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ có những dịch vụ giá giảm xuống”, ông Nam Liên cho biết.
Hiện nay, cơ quan này chưa đánh giá được dịch vụ nào tăng hay giảm vì còn chờ kết quả khảo sát, tính toán kỹ. Tuy nhiên trong tháng 5, thông tư về điều chỉnh giá 40 dịch vụ y tế này sẽ được ban hành. Các dịch vụ được tập trung rà soát giá gồm: giá khám bệnh, giường bệnh; chiếu chụp Xquang; chụp cộng hưởng từ CT scanner…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam hiện có 18.000 dịch vụ y tế, mỗi dịch vụ được ban hành một giá riêng. Điều này gây khó khăn cho việc thanh toán và giám định BHYT của cả bệnh viện và BHXH. Trong khi đó, các nước chỉ có danh mục giá của 2000 -3000 dịch vụ. Vì vậy, theo lộ trình đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện lại danh mục giá dịch vụ y tế, đưa xuống còn 3.000- 4000 dịch vụ.
Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng BHYT nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá của một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường... Việc điều chỉnh được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tháng 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37, trước mắt điều chỉnh giá của khoảng 40 dịch vụ.
Giai đoạn 2 xây dựng định mức và giá của khoảng 2.000-3.000 dịch vụ. Cơ cấu giá điều chỉnh vẫn bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đồng nhất cơ cấu giá quy định tại Thông tư 37; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Trong đó, chi phí trực tiếp là giá vật tư, hóa chất, điện, nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, giặt là, hấp sấy, quần áo, găng tay theo hiện hành. Còn chi phí tiền lương vẫn theo lương cơ sở 1.150.000 đồng.
Về kiểm soát giá thuốc, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung đối với 30 hoạt chất là các thuốc điều trị ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thống kê của cơ quan này cho thấy nhiều vật tư y tế tiêu hao có số lượng sử dụng rất lớn như: thủy tinh thể nhân tạo (hơn 980 tỉ đồng/năm); stent sử dụng trong can thiệp mạch (hơn 1.000 tỉ đồng/năm); kim luồn tĩnh mạch (156 tỉ đồng/năm) nhưng giá trúng thầu còn khác nhau giữa các bệnh viện. Đáng lưu ý, với stent, chênh lệch giá với cùng một loại lên đến cả chục triệu đồng/stent giữa các bệnh viện.
Ví dụ thủy tinh thể nhân tạo tùy thuộc nhân cứng hay mềm, giá có thể chênh lệch từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Tương tự, với stent động mạch vành, mức giá trúng thầu chênh lệch rất lớn, dao động 35-73,8 triệu đồng một chiếc. Giá một loại stent mạch vành của Đức tại một bệnh viện ở Thanh Hóa là 58 triệu đồng, một cơ sở khác ở Đồng Nai 38,5 triệu, Bắc Giang 29,4 triệu.
Vì thế, cơ quan bảo hiểm đề xuất 6 nhóm vật tư y tế sử dụng nhiều, chi phí lớn nên đấu thầu tập trung gồm thủy tinh thể nhân tạo, stent, khớp nhân tạo, kim luồn tĩnh mạch, bóng nóng, đinh nẹp ốc vít.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung nhằm giảm giá thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
“Để tiết kiệm tiền túi của người dân, giảm chi ngân sách, Bộ Y tế cần nghiên cứu mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung để giảm giá thành, tiến tới đấu thầu tập trung cả vật tư y tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng yêu cầu: " Trong năm nay Bộ Y tế phải thí điểm đấu thầu tập trung vật tư y tế để tránh tình trạng giá trúng thầu khác nhau giữa các bệnh viện".