Điều này được cảm nhận rõ rệt khi nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ngoài những công trình hiện đại mang tầm vóc thế kỷ, những cây cầu mới nối liền các dự án trong tương lai, TP Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn lực con người khi điều kiện sống của người dân đang dần được nâng cao...
Cầu Bình Lợi mới. Ảnh Lê Hữu Dũng |
Cầu Bình Lợi mới bắc qua sông Sài Gòn với chiều dài 1,1km, 6 làn xe mỗi hướng, được hoàn thành cuối tháng 8.2013. Đặc biệt, hạng mục vòm Nielsen của cầu là một trong những cấu trúc có kỹ thuật tiên tiến trong số các công trình cầu hiện nay, rộng 48m, vòm cầu dài 150m.
Hầm cầu vượt Thủ Thiêm. Ảnh Lê Hữu Dũng |
Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài 1.490m, bao gồm 371m hầm dìm là một trong những dự án đồ sộ của khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo ra sự giao lưu về mọi mặt cho người dân địa phương. Đây là hầm dìm đầu tiên được xây dựng ở Khu vực Đông Nam Á, đảm bảo cho 6 làn xe lưu thông và có hai đường thoát hiểm cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, chống cháy, đo đạc độ ô nhiễm không khí và hệ thống đếm xe... Ngoài ra, hầm còn có hệ thống loa phóng thanh, báo động khi xảy ra sự cố.
Tòa nhà Bitexco. Ảnh Trần Thế Phong |
Tọa lạc tại quận 1, tháp tài chính Bitexco nằm ở "trái tim" thành phố, biểu thị cho sự hiện đại, năng động và hội nhập của TP Hồ Chí Minh sau 40 năm giải phóng. Theo thiết kế, chiều cao từ mặt đất đến đỉnh tòa nhà là 262m, cao thứ ba trong các cao ốc ở Việt Nam hiện nay, xếp sau tòa Hanoi Landmark Tower và Lotte Center Hà Nội ở Hà Nội. Tại thời điểm khánh thành, Bitexco Financial Tower cao thứ 110 thế giới.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ.Ảnh Lê Hữu Dũng |
Phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi được nâng cấp, có chiều dài 670m, rộng hơn 60m, gồm 2 phần với điểm nối là vòng xoay Cây Liễu. Phần công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi) đặt tượng đài Bác Hồ bằng hợp kim đồng cao 7,2m, tư thế hướng mặt về sông Sài Gòn.
Phố đã được phủ sóng wifi miễn phí 24/24 giờ phục vụ du khách tham quan với cổng dung lượng đầu ra có tốc độ 1GB/giây, đảm bảo nhiều người có thể truy cập cùng lúc. Đây là điểm nhấn du lịch mà người dân Sài Gòn và du khách nước ngoài thích lui tới.
Lễ hội Nghinh ông Cần Giờ. Ảnh Trần Thế Phong |
Lễ hội nghinh "Ông", hay là lễ cúng cá "Ông" (cá voi) gắn liền với tục thờ cá ông phổ biến từ đèo Ngang trở vào đến Hà Tiên, đảo Phú Quốc, là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Tại thị trấn Cần Giờ TP Hồ Chí Minh, hàng năm cứ đến ngày 15 tháng Tám Âm lịch, các chủ phương tiện cất công trang hoàng cờ phướn cho con tàu thêm rực rỡ để tham gia cuộc rước Nghinh. Nằm gần kề thành phố nên vào dịp này có rất đông du khách trong và ngoài nước về đây tham dự, thông thường khách có thể lên bất cứ con tàu nào để tham gia đoàn Nginh Ông trên biển.
Đôi bờ kênh Bến Nghé. Ảnh Minh Phú |
Dòng kênh Bến Nghé chia TP Hồ Chí Minh làm đôi. Nửa phía Bắc của kênh Bến Nghé gồm trung tâm thành phố và Gò Vấp, Củ Chi. Nửa phía Nam với các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Từ xưa Tàu Hủ - Bến Nghé đã là tuyến đường thủy trọng yếu của TP Hồ Chí Minh, nó đã đóng góp 1 phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của vùng đất trù phú này.
Việc cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã làm hồi sinh lại dòng sông chết, nhếch nhác thay vào đó là hình ảnh hoàn toàn mới mỹ lệ và hiện đại.
Kênh Tân Hóa. Ảnh Minh Phú |
Trước khi cải tạo, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm không chỉ ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước mà còn lưu chứa một lượng rác thải rất lớn. Có nơi, người dân đi bộ trên rác ở giữa lòng kênh. Hiện nay, tuyến kênh mới dài 10km được hồi sinh, đem lại cuộc sống mới cho cả triệu người TP Hồ Chí Minh. Nhìn từ trên cao, bộ mặt phía tây TP Hồ Chí Minh thay đổi hoàn toàn sau dự án cải tạo.
Rạch Lò Gốm. Ảnh Minh Phú |
Sau nhiều thập niên chìm trong ô nhiễm, hôi hám, người dân đã cảm nhận rõ nét sự đổi thay về điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân TP Hồ Chí Minh khi dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm được hồi sinh, trong xanh...
Bến Bình Đông. Ảnh Trần Thế Phong |
Bến Bình Đông ở quận 8 là một trong số ít những bến thuyền ở TP Hồ Chí Minh khi xưa vẫn còn giữ được cảnh phồn thịnh trên bến dưới thuyền vào dịp cuối năm. Những ngày cận tết, hàng trăm ghe, thuyền ngày đêm chở hoa kiểng từ miền Tây lên thành phố bán đã tạo nên con đường nhiều màu sắc tại bến này.
TP HCM nhìn từ quận 4. Ảnh Nguyễn Hùng |
Đám cưới tập thể 100 đôi uyên ương được tổ chức nhân ngày Quốc khánh (2/9/2015) - ảnh Chí Hùng |
Đám cưới tập thể của 100 đôi uyên ương có hoàn cảnh khó khăn gồm: cán bộ công nhân viên, công nhân, giáo viên, chiến sĩ, người lao động, người khuyết tật tại TP.HCM và khu vực lân cận được diễn ra tại TP.HCM trong ngày lễ Quốc khánh năm 2/9/2015 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức.
Các cô dâu - chú rể sẽ được hỗ trợ bàn tiệc, nhẫn cưới, xe hoa, bánh cưới, chụp ảnh, quay phim, trang điểm, trang phục cưới, cặp gối, phiếu mua sắm siêu thị… Bên cạnh đó, các đôi còn được tư vấn về dinh dưỡng và khám bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí; tham gia chương trình huấn luyện “Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Hành trình hạnh phúc”.
Rực rỡ pháo hoa tại TP HCM nhân kỷ niệm 40 (1975-2015) năm ngày giải phóng. Ảnh Trần Thế Phong |