Ngày 28/4, Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nhận định lượng khách đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ tăng cao, có thể gấp đôi ngày thường. Điều này dễ dẫn đến quá tải, việc đi lại cũng khá căng thẳng, có thể phát sinh những hệ lụy phức tạp.
Khắp nơi “cháy” phòng
Chiều cùng ngày, ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch - Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay, tất cả khách sạn từ 1 sao đến 5 sao ở TP Đà Lạt báo cáo đã kín phòng.
Tại tỉnh Bình Thuận, trong nhiều ngày qua, các cơ sở lưu trú ở địa phương, nhất là ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết), đã phải từ chối khách có nhu cầu đặt phòng trong 2 ngày 30-4 và 1-5. Tại nhiều khu vực du lịch nổi tiếng khác như thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, những khách sạn, nhà nghỉ lớn - nhỏ đều đã được du khách đặt kín từ 10 ngày trước.
Du khách đi tìm phòng tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng |
Theo bà Nguyễn Thụy Hoàng Vy, Phó Giám đốc Công ty Sao Mai (tỉnh Bình Thuận), dù giá tour dịp lễ tăng 15%-30% nhưng lượng khách đặt chỗ vẫn tăng mạnh. Công ty đã “cháy” tour cách đây 1 tháng. Do thời tiết nắng nóng nên nhiều khách hàng đã lựa chọn các tour du lịch biển đảo.
Tại xứ sở “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên, lần đầu tiên, tất cả khách sạn từ 1 sao trở lên đều “cháy” phòng trong dịp lễ 30-4, 1-5. Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, du khách đến tỉnh này trong 3 ngày qua đã tăng vọt.
“Trong những ngày qua, nhiều người quen của tôi nhờ đặt phòng để đi du lịch Phú Yên nhưng tôi không thể tìm ra khách sạn nào còn trống” - ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, cho biết.
Nâng giá tùy thích nhưng “chưa có sai phạm”
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, hiện giá phòng và dịch vụ tại đây chỉ tăng khoảng 10%-15%. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Lâm Đồng, lợi dụng việc du khách đổ lên Đà Lạt trong dịp lễ, các cơ sở lưu trú đã đồng loạt tăng giá ít nhất gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Các khách sạn ở Đà Lạt tại khu Hòa Bình, đường Ba Tháng Hai, Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng…, nếu như phòng đơn ngày thường giá chỉ 150.000-300.000 đồng thì nay tăng vọt lên 600.000-800.000 đồng. Giá phòng đôi (2 giường) dành cho 4 người từ 200.000-400.000 đồng nay tăng lên 1,2-1,7 triệu đồng. Dù giá bị đẩy lên cao nhưng tất cả khách sạn được chúng tôi khảo sát đều trả lời đã hết phòng.
Hành khách xếp hàng mua vé xe tại bến xe Miền Đông ngày 28/4. |
Một người kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành tại Đà Lạt cho biết hiện TP này vẫn còn khoảng 10% phòng trống. Nguyên nhân là do các cơ sở lưu trú “găm” phòng lại chờ bắt khách lẻ rồi đẩy giá lên cao chót vót. Mỗi phòng như thế có thể phải ở đông lên tới cả chục người, trải nệm nằm cả dưới nền và bị tính phụ thu theo đầu người.
“Đây là thực trạng đã tồn tại hàng chục năm qua của ngành du lịch Lâm Đồng mỗi khi bước vào lễ, Tết” - người này nhấn mạnh. Trong khi đó, theo Sở VH-TT-DL tỉnh này, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp nào tăng giá sai quy định!
Lên phương án chống quá tải
Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa, dự đoán dịp lễ năm nay, lượng khách đến Nha Trang sẽ đạt 120.000 lượt, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Toàn tỉnh hiện có hơn 610 cơ sở lưu trú với khoảng 20.000 phòng, cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách.
Trước các vụ “chặt chém” du khách vừa qua, Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa đã công bố đường dây nóng 058.3528000 - 0947528000 của Phòng Hỗ trợ khách du lịch thuộc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh. Du khách có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ, tình trạng chèo kéo, kinh doanh không lành mạnh đến các số này.
Trong khi đó, tính đến chiều 28-4, tại các nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều nơi vẫn treo bảng còn phòng. Một chủ nhà nghỉ nhận định tối 29-4, chậm nhất là ngày 30-4, các nhà nghỉ, khách sạn này cũng sẽ kín phòng.
Để tránh tình trạng “chặt chém”, TP Vũng Tàu yêu cầu các khu du lịch gắn bảng niêm yết bán theo giá đã quy định. Ngoài ra, du khách nếu gặp vấn đề gì không hài lòng có thể gọi cho đường dây nóng theo số 088.8803247, 0918581755, 0908106033 để được giải quyết.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, cho biết ban quản lý đã tập trung lực lượng vào đoạn 1.200 m khu vực Bãi Sau, Thùy Vân để ngăn chặn tình trạng đeo bám khách du lịch hay lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; kiểm tra phao bơi có dây đeo an toàn, kiểm tra lực lượng cấp cứu viên, xử lý các trường hợp nấu nướng dưới bãi biển, cào đãi vàng...
Trước tình trạng cá chết hàng loạt, Tổng cục Du lịch cảnh báo du lịch miền Trung có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng trong dịp lễ 30-4 và cả mùa hè năm nay. Từ ngày 26-4, nhiều hãng lữ hành liên tục nhận được điện thoại của khách hàng đã đặt tour đi chơi dịp lễ 30-4, 1-5 ở miền Trung hỏi về tình hình cá chết, biển bị ô nhiễm…
Những du khách đặt tour đến các tỉnh có hiện tượng cá chết giờ chót nhiều khả năng sẽ chuyển lịch trình tới điểm mới. Do đó, nhiều địa phương khác đang lên phương án ứng phó tình trạng quá tải có thể xảy ra trong dịp nghỉ lễ sắp tới.
Giá tàu xe phụ thu 30%-40% Do ảnh hưởng từ sự cố cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) bị sập hôm 20-3, lượng hành khách đến các bến xe ở TP HCM mua vé tăng cao từ chiều 28-4. Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), vào khoảng 16 giờ ngày 28-4, nhân viên bán vé của hãng xe Thuận Thảo cho biết vé chiều từ TP HCM đi Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) trong những ngày lễ đã bán gần hết nên hãng đang lên kế hoạch tăng xe. Trong khi đó, nhà xe Phương Trang đã hết vé đi Nha Trang, Vũng Tàu trong những ngày lễ. Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông, lượng hành khách trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Cao điểm từ ngày 29-4 đến hết 1-5, ước tính mỗi ngày có 37.000-41.000 lượt hành khách thông qua bến. Mức phụ thu giá vé trong dịp lễ tại bến xe này tăng 30%-40% so với ngày thường. Trong khi đó, tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), lượng hành khách trong ngày 28-4 đã tăng nhẹ so với ngày thường, tập trung vào những tuyến từ TP HCM đi các tỉnh, TP: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… Trong 2 ngày cao điểm 30-4 và 1-5, ước tính mỗi ngày sẽ có 47.000-49.000 lượt hành khách thông qua bến, tăng gấp đôi ngày thường. Mức phụ thu giá vé điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường, áp dụng trong 2 ngày 30-4 và 1-5. Đối với ngành đường sắt, theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, Ban Quản lý nhà ga đã vận chuyển 25 toa tàu từ ga Sài Gòn (TP HCM) đến ga Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Tại ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), trong dịp lễ sẽ tổ chức chạy thêm 2 chuyến tàu từ TP HCM đi Nha Trang vào ngày 29-4 và từ Nha Trang trở về TP HCM ngày 3-5 (kết hợp việc trung chuyển hành khách bằng ô tô). Riêng tuyến tàu lửa ngoại ô, ông Văn khẳng định sẽ tổ chức thêm tour du lịch khám phá tới Khu Du lịch Thủy Châu (tỉnh Bình Dương) vào những ngày cuối tuần. Nhằm bảo đảm trật trật tự an toàn giao thông dịp lễ, sáng 28-4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TP HCM đã ra quân tuần tra, kiểm soát, ghi hình xử lý vi phạm hành chính qua hình ảnh. Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng PC67, cho biết sẽ bố trí tất cả 16 đội thuộc phòng sử dụng camera để xử lý các phương tiện vi phạm khi tham gia giao thông bằng hình thức phạt nóng và phạt nguội. |