Ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Nhận hối lộ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC.
Theo điều tra, dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt mức đầu tư 1.904 tỷ đồng. Giai đoạn 2013-2015, dự án có 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị.
Ông Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bị cáo buộc nhận hối lộ. Ảnh: TTXVN.
Qua kết luận, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 20 bị can, gồm 2 cựu lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai là Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) và Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh ủy).
Cả cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đã nhận số tiền "bôi trơn" để Công ty AIC trúng thầu và giá các gói thầu cũng bị "nâng khống" gây thiệt hại cho Nhà nước. Trong đó, ông Thành nhận hối lộ 14, 5 tỷ đồng.
Tại vụ án này, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bỏ trốn từ ngày 19/6/2021. Đầu tháng 5, cơ quan điều tra phát lệnh truy nã với bà Nhàn.
Ngoài bị can Nhàn, 7 bị can khác cũng đang bị truy nã liên quan vụ án này. Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu các bị can đến cơ quan cảnh sát điều tra hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Nếu tiếp tục bỏ trốn, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.