Phát biểu tại tọa đàm, luật gia Trần Đình Dũng cho biết ở một số quốc gia, cơ quan THA dân sự thuộc hẳn về phía nhánh quyền lực tư pháp, là một bộ phận của tòa án. Ở nước ta, cơ quan này thực thi chức trách nhà nước ở nhánh quyền lực tư pháp trong cơ cấu phân nhánh lập pháp - hành pháp - tư pháp được minh định rõ tại điều 2 Hiến pháp 2013. Thế nhưng, trong cơ cấu vị thế cơ quan nhà nước quy định tại điều 13 Luật THA dân sự thì cơ quan này lại thuộc về Bộ Tư pháp (nhánh quyền lực hành pháp) nên trong điều hành hoạt động phải chịu sự chi phối cấp trên của đơn vị ngành dọc là Bộ Tư pháp. Chịu sự quản lý của cả hai nhánh quyền lực tư pháp và hành pháp nên tính thống nhất không cao trong hoạt động thực tiễn của cơ quan THA dân sự.
ThS Đặng Thị Diệu Vân phát biểu ý kiến tại tọa đàm Ảnh: LDC |
Những chồng chéo nêu trên dẫn đến vướng mắc và có thể bị lạm dụng. Chẳng hạn, khi nhận những quyết định hay bản án của tòa án mà tuyên không rõ ràng, cụ thể thì cơ quan THA dân sự không thể thực thi. Trong trường hợp này, cơ quan THA dân sự yêu cầu giải thích những nội dung chưa rõ, tòa án phải giải thích.
Tuy nhiên, khái niệm thế nào là “chưa rõ” vốn ít có tính thống nhất giữa nhận định của cá nhân này với cá nhân kia. Trong thực tế, tòa án thường không giải thích thêm vì cho rằng phần tuyên xử đã rõ. Đây chính là điểm gây khó khăn vô cùng và dễ bị lạm dụng mà đương sự là người gánh chịu. Bởi lẽ, thẩm quyền giải quyết khiếu nại để xác định có tiếp tục THA hay không trong trường hợp này không thuộc về tòa án mà là Bộ Tư pháp, trong khi tòa án là nơi “quyết định sự vướng mắc”…
Nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn THA dân sự cũng được TS Nguyễn Thị Sơn, luật gia Đặng Đình Thịnh, luật gia Đặng Thị Diệu Vân cùng nhiều chuyên gia khác trình bày, cho thấy dù được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng công tác THA dân sự vẫn khó đạt hiệu quả cao, đồng thời dễ nảy sinh bức xúc cho các đối tượng liên quan.
Để khắc phục những nhược điểm nêu trên nhằm làm cho pháp luật THA dân sự thực hiện suôn sẽ, có tính thống nhất cao trong thực tế, nhiều chuyên gia đề nghị giải pháp căn cơ bằng cách bỏ ban chỉ đạo THA các cấp tỉnh, huyện; đồng thời tất cả công tác nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại giao về VKSND giải quyết.
Chồng chéo trong chỉ đạo Theo phân tích của các chuyên gia, sự chồng chéo trong chỉ đạo đối với nghiệp vụ THA dễ thấy nhất là khi gặp phải vấn đề cần giải thích, hướng dẫn về chuyên môn. Hiện có đến hai cơ quan có thể giải thích chuyên môn, hành vi của chấp hành viên, gồm: bộ phận kiểm sát THA của VKSND (giải quyết theo chức năng kiểm sát) và cơ quan THA cấp trên. Không ít trường hợp hai cơ quan này có quan điểm ngược nhau. |