1. Loại đậu xanh nào tốt?
- Dùng đậu xanh già tới, chắc hạt, không bị lép, không mối mọt, không ẩm mốc, không sử dụng hóa chất độc hại trong khâu gieo trồng và bảo quản.
Đậu xanh tốt nhất là ăn cả vỏ |
- Hạn chế sử dụng đậu xanh không còn vỏ, vì thành phần dinh dưỡng quý giá phần nhiều trong lớp vỏ lụa xanh. Mặt khác, theo y học cổ truyền, vỏ đậu xanh có tác dụng giải độc tốt hơn nhân trắng bên trong. Tốt nhất dùng dạng nguyên hạt hoặc đậu xanh tách đôi còn vỏ xanh bên ngoài.
2. Đậu xanh có tác dụng gì đáng quan tâm?
- Đậu xanh có vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, ích khí, tiêu thử. Vỏ hạt đậu xanh có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, giải thử, trừ phiền.
- Chứa nhiều các chất chống oxy hóa: đặc biệt là vitexin và isovitexin có nhiều trong lớp vỏ lụa xanh, giúp cơ thể vượt qua stress, ổn định hoạt động tế bào, làm giảm cholesterol trong máu, hạ men gan, ngăn ngừa chết tế bào da do tia UV.
- Đông y đã dùng đậu xanh để dã rượu, ngộ độc.
- Kháng viêm, kháng vi khuẩn và nấm.
- Chứa nhiều chất xơ và chỉ số đường huyết thấp, đậu xanh rất tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, không nên cho rằng đậu xanh là thần dược, chữa được các loại bệnh. Việc điều trị các loại bệnh mãn tính đều phải dựa vào nhiều biện pháp tổng hợp mà không thể chỉ dựa vào 1 bài thuốc hay vị thuốc đơn thuần.
3. Sơ chế
Đậu xanh mua về nên rửa sạch, sau đó ngâm từ 30 phút đến 1 giờ rồi mới chế biến vì sau khi thu hoạch người ta phải phơi ở sân, lề đường hoặc các cơ sở kinh doanh có thể sử dụng thuốc bảo quản.
Liều dùng hằng ngày: 50-100 gam.
4.Một số cách sử dụng đơn giản
- Nấu nhừ đậu xanh nguyên vỏ với nước, có thể thêm ít đường phèn hoặc cỏ ngọt hoặc không đường, chắt lấy nước uống, có thể lấy cái ăn.
- Nước tam đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, mỗi thứ 50 gam, sao cháy vừa, đun nước uống hằng ngày vừa giúp bổ thận, dưỡng can, sáng mắt, nhuận trường, ích tinh.
- Chữa tiêu chảy, viêm đường ruột: thêm vài lát gừng hoặc trần bì (vỏ quả quýt) nấu cháo đậu xanh ăn lúc ấm.
Theo Ths.Bs. Nguyễn văn Đàn