Web of Science (WoS, Clarivate, Mỹ) - cơ sở dữ liệu chuyên thống kê các công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới (thường được gọi tắt là ISI) vừa công bố kết quả khoa học - công nghệ giai đoạn 3 năm gần nhất 2016 - 2018 cho các nước và khu vực trên thế giới.
Đại học Tôn Đức Thắng lọt top 25 cơ sở nghiên cứu hàng đầu Khu vực ASEAN.
Trong nhóm 25 cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN;ngoài 4 đơn vị không phải là đại học, có 21 đại học của toàn khu vực được xếp hạng trong TOP này.
2 đại học đứng đầu ASEAN là của Singapore, trong đó Đại học quốc gia Singapore được xếp thứ 1, Đại học kỹ thuật Nan Yang xếp thứ 2.
Ba vị trí tiếp theo thuộc về 3 đại học của Malaysia lần lượt là Đại học Malaya, Đại học Putra Malaysia và Đại học Sains Malaysia.
Điều đáng nói là trong TOP 25 cơ sở khoa học hàng đầu ASEAN này, Malaysia có 11 đại học; Thái Lan có 6 đại học. Trong 6 đại học của Thái Lan, đứng đầu là Đại học Mahidol được xếp thứ 6 trong TOP 25.
Như vậy, 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan có tới 19 đại học trong số 21 đại học hàng đầu của ASEAN theo WoS. Trong đó, các đại học của Malaysia chiếm hơn 50% tổng số đại học hàng đầu trong khu vực.
Hai nước Indonesia và Việt Nam, mỗi nước góp 1 đại học vào TOP 25 này. Đại diện duy nhất của Việt Nam trong TOP 25 khu vực là trường Đại học Tôn Đức Thắng với vị trí thứ 20.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Trước thông tin này, GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐHTôn Đức Thắng nói: “Đại diện của Việt Nam (tức Trường Đại học Tôn Đức Thắng) có tổng số công trình khoa học-công nghệ ISI là 2.373 (giai đoạn 3 năm gần nhất 2016 - 2018), con số trên thua ĐH Quốc gia Singapore đến 10,14 lần. Trường này phải mất ít nhất 7 đến 10 năm nữa mới có hy vọng đuổi kịp ĐH Quốc gia Singapore nếu vẫn giữ tốc độ phát triển như 12 năm vừa qua”.
“Ngoại trừ 3 ĐH quá mạnh (ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang và ĐH Malaya) thì các cơ sở khác đều có số lượng công bố ISI trong 3 năm khoảng từ 6.000 đến hơn 7.000 bài (tương đương khoảng 2.000 đến 2.500 bài/năm). Trường ĐH Tôn Đức Thắng với công bố trên 1.000 bài/năm 2018 và sẽ đạt tối thiểu 1.400 bài/năm 2019 có thể đuổi kịp các cơ sở này trong từ 3 đến 5 năm tới”, ông Danh nói thêm.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, việc Việt Nam có một đại diện trong TOP 25 đại học/cơ sở khoa học hàng đầu của Khu vực ASEAN là điều rất đáng mừng cho hệ thống giáo dục Việt Nam vào đầu năm mới 2019.