Theo một số tài xế, tại sân bay Tân Sơn Nhất, do nhiều người sử dụng Uber, Grab nên lượng khách đi taxi giảm 50%, trong khi để được đón khách, tài xế taxi phải xếp hàng từ 1,5 đến 2 giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Người tiêu dùng được lợi, nhưng cũng phải đối mặt nhiều rủi ro.
Giành nốt "lãnh địa" truyền thống
Không chỉ trên đường phố, tại các sân bay, Uber và Grab cũng tung những chiêu giảm giá mạnh để hút khách từ những lãnh địa truyền thống cuối cùng mà gần đây taxi vẫn “độc chiếm”.
Chiều 24-5, anh Nguyễn Văn Việt, vừa đáp chuyến bay Đà Nẵng - TP.HCM, khi xuống sân bay đã từ chối taxi. Cầm điện thoại đặt xe, anh Việt cho biết đi Uber và Grab được biết trước giá. So sánh giá, anh Việt cho hay lộ trình từ sân bay đến bến xe Miền Đông đi Grabcar chỉ 110.000 đồng, còn taxi truyền thống hơn 200.000 đồng.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Thành - tài xế Vinasun đang chờ khách tại Tân Sơn Nhất - cho biết Grab và Uber đang làm đảo lộn hết việc vận chuyển hành khách. Xe Grab thường đậu ở ngoài đường, khi khách đặt, tài xế ung dung chạy vào như xe đón người thân, trong khi taxi truyền thống chịu bao nhiêu sự quản lý.
Tại Hà Nội tình hình cũng tương tự. Nếu như đi từ Nội Bài về trung tâm thành phố thì bình thường taxi lấy 350.000 đồng, đặt trước giá còn 300.000 đồng. Nay tình hình đã khác, Uber vừa tung giá cước chỉ 250.000 đồng cho đoạn đường khoảng 30km.
Chưa hết, từ trung tâm Hà Nội đến sân bay, cũng đoạn đường đó, taxi lấy 200.000 đồng, Uber hạ xuống chỉ 150.000 đồng. “Đó là giá mang tính triệt hạ” - anh Đào Văn Long, tài xế chạy tuyến Hà Nội - Nội Bài, đánh giá. Với giá đi trong thành phố, theo anh Long, các hãng công nghệ cũng có dấu hiệu chịu lỗ để triệt phương tiện chở thuê truyền thống khi đi dưới 4km chỉ lấy 15.000 đồng.
Tài xế taxi đậu xe ở bãi cạnh sân bay Tân Sơn Nhất để chờ đến lượt vào đón khách - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Dồn sức ép về tài xế
Cạnh tranh gay gắt với Uber và Grab đang khiến nhiều hãng taxi phải thay đổi chính sách. Đặc biệt, đã có cả biện pháp làm theo Uber khi đề nghị tài xế chuyển từ hợp đồng lao động sang hợp đồng thuê xe, đồng nghĩa cắt giảm nhiều quyền lợi như bảo hiểm của tài xế.
Nhiều tài xế taxi Hãng Vinasun tại TP.HCM cho biết mới đây, công ty này cho ký lại hợp đồng và rao tuyển thêm 3.000 tài xế. Theo đó, Vinasun đang khuyến khích các tài xế nhận khoán xe, nhận nhượng quyền ôtô.
Đậu xe gần Bệnh viện 175 trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), anh Nguyễn H.T. - tài xế taxi Vinasun - cho biết vừa ký hợp đồng khoán xe với hãng. Theo đó, anh sẽ tự lo, mỗi ngày phải nộp cho hãng 670.000 - 800.000 đồng. Anh T. buồn bã vì việc khoán xe này đồng nghĩa với nhiều quyền lợi của tài xế bị cắt giảm, không được hỗ trợ như trước gồm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phụ phí khác... trong khi giới tài xế có nhiều rủi ro khi di chuyển, rất quan tâm đến bảo hiểm y tế.
Anh T. cho biết hiện Vinasun mới khuyến khích nhận khoán xe, ưu đãi ban đầu như ký trước ngày 29-5 sẽ được hỗ trợ phí chạy xe 32.000 đồng/xe/ngày và phụ phí khác 78.000 đồng/ngày. Áp lực với tài xế rất lớn khi hãng tuyên bố nếu ký sau tháng 5-2017 sẽ không được hỗ trợ những phần này.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tạ Long Hỷ - giám đốc Vinasun taxi - xác nhận thời gian qua việc hoạt động rầm rộ của Grab, Uber đã ảnh hưởng rất lớn đến taxi. Ông Hỷ cho rằng Grab, Uber đưa mức giá dưới giá thành chung của taxi.
Ông cũng công nhận doanh thu Vinasun taxi tụt giảm 30% so với những năm trước. Để tiếp tục cạnh tranh, ông Hỷ cho biết hiện Vinasun đang nghiên cứu về việc nhượng quyền thương hiệu khai thác dịch vụ.
Dù không thực hiện khoán xe, nhượng quyền khai thác như Vinasun, Hãng taxi Mai Linh sử dụng cách thức mới là khuyến khích tài xế mua xe mới chạy taxi cho hãng. Với cách này, theo các tài xế, người lao động có hướng mua loại xe giá rẻ hơn để góp phần giảm giá cước.
Rủi ro cho người tiêu dùng
Theo tài xế taxi Nguyễn Thanh Hưng (ở Thanh Xuân, Hà Nội), việc cạnh tranh gay gắt nên các hãng khoán trắng xe cho tài xế, khiến tài xế taxi chịu áp lực hơn, trong khi người tiêu dùng được lợi về giá.
Tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Hưng cảnh báo: “Người tiêu dùng cũng chịu rủi ro lớn vì tài xế dễ phải “chặt chém” khi bị lỗ. Tài xế bình dân bỏ việc nhiều, dân anh chị giang hồ dễ xâm nhập giới taxi”.
Ngoài ra, theo anh Hưng, nếu hãng không còn lo bảo hiểm cho tài xế, tài xế dễ buông luôn, không chịu mua bảo hiểm xe hoặc bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ ba, phó mặc cho may rủi. Khi đó nếu đụng chuyện, người dân sẽ dễ phải tự “chịu trận”.
Theo các chuyên gia, dù thoải mái về thời gian và khách hàng nhưng tài xế khi nhận khoán sẽ ít được nghỉ ngơi, vì nghỉ vẫn phải đóng tiền hằng ngày. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
“Nhiều khi con cái ốm đau đột xuất, nếu chạy hợp đồng có thể xin phép nghỉ vài ngày. Còn xe khoán nghỉ vẫn phải đóng tiền nên buộc phải “cày” liên tục. Chỉ nghỉ khoảng hai ngày là không có tiền đóng luôn” - anh N.V.Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, việc quản lý tài xế taxi lái xe vừa đủ sức khỏe, theo anh N.V.Sơn, là không thể. “Nhiều lúc buồn ngủ, quá sức vẫn phải uống cà phê để cố. Không ai muốn rủi ro cả, nếu số ai không may thì phải chịu” - anh N.V.Sơn nói.
Sẽ giảm tiếp
Khi nhận khoán xe, theo tài xế Vinasun tên Tuấn - thường hoạt động ở khu vực Q.3 (TP.HCM), giá cước taxi sẽ linh động hơn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng để cạnh tranh với Uber, Grab. Anh Tuấn cho biết thực tế có khi tài xế đã chủ động giảm đến 20-30% cho khách (so với mức giá công ty đưa ra). Khi khoán xe, nhất là chặng đường xa, anh Tuấn ví dụ TP.HCM đi Vũng Tàu, giá công ty đưa ra khoảng 1,4 triệu đồng, tài xế có thể chỉ lấy 1 triệu đồng, thậm chí thấp hơn tùy tình hình. Anh Sơn - tài xế xe Vinasun đã được khoán xe - cho biết để cạnh tranh, anh sẽ chủ động giảm giá. Bình thường chạy từ sân bay đến bến xe Miền Đông hơn 200.000 đồng, nay xe khoán, anh cho biết có thể “tự động” hạ giá để hút khách đi. |
Gánh nặng dồn về người lao động Ngày 24-5, gặp anh Bùi Văn Bửu - tài xế taxi của Hãng Mai Linh đang chờ khách gần nhà thờ Đức Bà (Q.1), anh buồn bã cho biết đã chờ ở đây hơn 2 tiếng nhưng không có khách nào ngó tới. Suốt một năm qua, dù đã cố gắng chạy xe cả ngày lẫn đêm, anh cũng chỉ thu nhập tầm 5- 6 triệu đồng/tháng. Hiện gia đình anh đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông cậy vào đồng lương chạy xe của anh. “Do vậy nếu cứ tiếp tục như thế này, tôi sẽ không chạy taxi nữa để kiếm một việc làm khác có thu nhập ổn định hơn” - anh Bửu tâm sự. Giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ công nhận thu nhập tài xế của hãng này bị kéo giảm hơn 30%, chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng. Gần 20% tài xế của hãng đã bỏ nghề. |