Đó là một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm và còn ý kiến khác nhau khi Dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Thu thuế tài sản bất minh, khó khả thi
Công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian gần đây, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng, liệu đã đạt yêu cầu đề ra, thưa ông?
- Phòng, chống tham nhũng là mặt trận nóng bỏng nhất hiện nay, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Trong đó, bên cạnh việc xử lý theo pháp luật các cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng được coi trọng. Nhiệm vụ “kép” này mới chỉ là một nửa của công tác phòng chống tham nhũng, vì mục tiêu lớn mà chúng ta hướng tới không chỉ là xử phạt, thu hồi tài sản mà còn định hướng tới việc xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức (CBCC), nhất là người lãnh đạo trong sạch, liêm chính.
|
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng, theo báo cáo của Chính phủ (trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư) cuối năm 2017 vừa qua, đó là vấn đề rất phức tạp, việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen. Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn “vướng ngang, vướng dọc”. Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần. Chỉ riêng các vụ án đã xác định hành vi tham nhũng gây thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng, trên 77.000m2 đất, nhưng mới chỉ thu hồi được gần 330 tỷ VND, 314.000 USD, 3.700m2 đất… Đây là con số còn rất khiêm tốn.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được bổ sung quy định về xử lý tài sản tăng, thu nhập thêm không được giải trình hợp lý. Thanh tra Chính phủ cho rằng, qua xác minh nếu kết luận tài sản thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Ý kiến của ông về đề xuất này ra sao và nên thực hiện theo hướng nào?
- Về cơ bản, tôi tán thành việc xử lý nghiêm tài sản tham nhũng, tài sản do tham nhũng mà có (ví dụ tham nhũng 5 tỷ đồng gửi ngân hàng nay lãi được thêm 1 tỷ đồng). Tuy nhiên, xung quanh vấn đề Thanh tra Chính phủ nêu ra, tôi còn băn khoăn: Liệu có sự đồng nhất giữa tài sản có được hợp pháp với tài sản tham nhũng hoặc tài sản có được do tham nhũng hay không? Phải chăng tài sản không kê khai, chưa kê khai, không giải trình được đều bị coi là thu nhập bất hợp pháp? Cơ quan nào xác định yếu tố pháp lý (tính hợp pháp) của tài sản, do tòa án hay cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng? Liệu có thể tịch thu sung công quỹ (ngân sách) tài sản không giải trình được? Ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đi kiện đòi tài sản tham nhũng cho Nhà nước và sử dụng cơ chế nào để xử lý tài sản, thu hồi tài sản? Còn đánh thuế tài sản và mức thuế đó đã phù hợp với bối cảnh phòng chống tham nhũng hay chưa, đều là những vấn đề cần một sự giải thích toàn diện, khoa học, thuyết phục.
Về mức thuế suất 45% đánh trên tài sản, nếu qua xác minh kết luận tài sản thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Tôi rất băn khoăn về việc áp mức thuế suất, vì chưa thực sự “thông” là cơ sở nào cho áp dụng mức thuế đó. Nếu là thuế suất thì phải có mặt bằng chung, theo luật thuế. Nếu là thuế suất đặc biệt thì phải chỉ rõ cơ sở nào, văn bản nào điều chỉnh. Còn nếu xử phạt thì phải có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Nói chung quy định đó rất khó khả thi, quy định thì dễ nhưng khi đưa vào thi hành chắc chắn sẽ vướng mắc lớn. Cần lưu ý rằng, trong thực tiễn có những tài sản không phải là tài sản tham nhũng, hoặc lợi ích có được từ tham nhũng, có trăm kiểu tài sản không thể hoặc không muốn giải trình. Mà vi phạm nghĩa vụ giải trình không thể đồng nhất với vi phạm khác (tham nhũng). Nếu chúng ta đồng nhất thì quả thực khó được cử tri chấp nhận.
Cần cơ chế pháp lý về minh bạch
Hiện nay, hàng năm chúng ta đều tiến hành kê khai nhưng số lượng sai phạm bị phát hiện rất ít. Vậy theo ông phải làm thế nào để việc này bớt hình thức và trở thành công cụ hữu hiệu hạn chế tham nhũng?
- Hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do chưa bảo đảm tính minh bạch. Tôi tán thành việc thiết kế cơ sở pháp lý về sự minh bạch. Từ đó đối chiếu lại có thể thấy, cách kê khai và xác minh, xử lý tài sản của cán bộ, công chức hiện nay rất hình thức. Không biết ai trung thực, ai giả vờ. Không chỉ rõ trách nhiệm xác minh thuộc về ai. Không rõ vai trò giám sát, xác minh tài sản được kê khai. Qua đó làm mất đi tính chất nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả của kê khai tài sản. Vì vậy, cần nghiên cứu xác định rõ cơ chế giám sát việc kê khai tài sản, huy động sự vào cuộc của chính quyền, MTTQ, đoàn thể cấp cơ sở trong giám sát thường xuyên và xác minh tài sản được kê khai, xác minh tính đúng đắn, trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức Nhà nước ở nơi cư trú, nơi có tài sản.
Giữa năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo ông đã đến lúc chúng ta cần thực hiện công khai hơn đối với việc kê khai của cán bộ cấp cao để làm gương cho các cấp thực hiện?
- Như tôi đã nêu ở trên, công khai - minh bạch là hết sức cần thiết, nhất là các đối tượng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Do đó, cần mở rộng việc công khai để Nhân dân giám sát. Tuy nhiên, cần tính đến vấn đề bảo mật đời tư, trừ trường hợp CBCC ở vị trí quan trọng, công việc nhạy cảm. Cần phải đánh giá, phân loại CBCC thành các nhóm đối tượng, ví dụ: Đại biểu dân cử cấp T.Ư, đại biểu dân cử cấp tỉnh, cấp quận, huyện, CBCC các cơ quan hành pháp T.Ư, hành pháp địa phương, tòa án tối cao, tòa án cấp cao… để xác minh, công khai trong phạm vi thích hợp nhằm bảo đảm cho quá trình giám sát hiệu quả hơn, đồng thời tránh xâm phạm đời tư, bảo mật thông tin cá nhân và gia đình CBCC. Các trường hợp kê khai không đúng đắn, thiếu thuyết phục, ví dụ: Kê khai đang sử dụng 1.000m2 đất do gia đình nhận chuyển nhượng nhưng “không rõ giá trị” là chưa bảo đảm tính đúng đắn, cần kiểm tra, yêu cầu kê khai lại và sau đó mới công bố.
Xin trân trọng cảm ơn ông!