Nữ cảnh sát điều tiết giao thông tại ngã năm Cửa Nam. Ảnh: Hải Linh |
Hàm lượng chất xám cao
Sau khi Ban tổ chức kết thúc phần chấm, đánh giá, chuẩn bị cho việc trao giải lần thứ VI Cuộc thi viết "Vì An toàn giao thông Thủ đô”, được tận mắt chứng kiến các sản phẩm trưng bày tại trụ sở báo Kinh tế & Đô thị, giới chuyên gia giao thông không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những sản phẩm của các tác giả, nhóm tác giả từ cán bộ quản lý Nhà nước, nhà khoa học, giáo viên, nhà văn, doanh nhân đến cả những người trực tiếp điều hành công tác an toàn giao thông là các chiến sĩ CSGT, sinh viên, học sinh… ở nhiều lứa tuổi.
Đa số giải pháp đều thể hiện được khả năng sáng tạo, hàm lượng chất xám cao nên tính hiệu quả và chất lượng phần lớn các giải pháp lần sau tốt hơn các lần trước. Đó là những tín hiệu vui khi sức hấp dẫn của Cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, không chỉ thu hút tầng lớp trí thức mà còn phát huy sức mạnh trí tuệ của nhiều thành phần.
Tiếp nối thành công từ các năm trước, Cuộc thi viết năm 2017 đã nhận được gần 30.000 bài dự thi. Cách thể hiện nội dung trong các tác phẩm dự thi rất đa dạng, bên cạnh những tác phẩm dự thi thể hiện theo phong cách truyền thống như bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, xã luận, ghi chép... Ban tổ chức cũng nhận được những tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng bài phóng sự ảnh, poster, bài thơ với âm vần, giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Đây cũng là điểm mới trong công tác tuyên truyền về giáo dục ý thức tham gia giao thông, Luật Giao thông đường bộ.
Các phương án, thiết kế tham gia dự thi năm 2017 cũng đi vào chiều sâu chất lượng. Bài viết của các chuyên gia tạo hiệu ứng xã hội lớn như: Lấy xe buýt làm trọng tâm giao thông đô thị, của TS Trần Minh Tú - Chuyên gia giao thông, Công ty ALMEC (Nhật Bản). Tác giả kiến nghị nhiều giải pháp để giảm tải ùn tắc giao thông từ phát triển hệ thống xe buýt.
Trong đó, tập trung chính vào vấn đề xây dựng thêm làn đường dành riêng và đẩy mạnh các bãi đỗ xe trung chuyển. Từ đó, thu hút người dân đi xe buýt – phương tiện giao thông an toàn, giá rẻ.
Cuộc thi cũng nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt thành của các chiến sĩ CSGT, như: “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên: Không thể thiếu sự đồng hành của gia đình” của Trung úy Nguyễn Hữu Phước (Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an Hà Nội; “Giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy: Sớm có những chế tài mạnh” của Đại úy Lê Thị Thảo - Đội CSGT, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội; “Nóng vội khó tạo được văn hóa giao thông” của Nguyễn Bá Sơn - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 4, Công an TP Hà Nội...
Trung tâm điều khiển giao thông TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải. |
Sân chơi cho sáng tạo
Một trong những thành công đáng ghi nhận là bên cạnh những tác giả nhiều năm gắn bó với cuộc thi, rất nhiều gương mặt trẻ đã tích cực tham gia. Nhiều bài dự thi của các em học sinh đến từ các trường Đại học, THPT, THCS và tiểu học đã góp phần phản ánh những vấn đề còn tồn tại của giao thông Thủ đô.
Bài viết của những tác giả không chuyên tuy mộc mạc, nhưng thể hiện tình yêu Hà Nội, muốn hành động nhân lên tinh thần xây dựng văn hóa giao thông. Như bài viết: “Xóa bỏ tư duy đi lại “từ cửa tới cửa” của tác giả Lê Thị Khánh Linh - Nghiên cứu sinh Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội; “Đừng đổ lỗi cho số phận” của em Trần Khánh Linh - Lớp 9E, trường THCS Thạch Bàn; “Xe đạp điện với giao thông xanh” của em Nghiêm Mỹ Khanh - Lớp 6A6, trường THCS Thanh Xuân...
Đặc biệt, tác phẩm dự thi của các em học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), với những ý tưởng, kiến nghị nhằm góp phần chung sức giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho hiện tại và tương lai. Những ước mơ về một xã hội an toàn, văn minh về giao thông. Hay là những câu chuyện giản dị các em muốn gửi tới cộng đồng như một lời nhắn nhủ một hành động nhỏ về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông... Bài dự thi đã được Ban tổ chức đánh giá cao, bằng những cảm xúc, chia sẻ chân thành nhất của các em học sinh.
Năm 2017 còn là năm đầu tiên website http://giaothonghanoi.ktdt.com.vn được đưa vào vận hành thử nghiệm, đưa thêm hình thức thi trắc nghiệm trên internet vào Cuộc thi. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, việc tuyên truyền bằng cuộc thi viết tuy vẫn đạt được kết quả tốt, song sẽ có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ hơn nếu tích hợp trên internet.
Bắt kịp xu hướng đó, Cuộc thi trắc nghiệm trên internet được đánh giá sẽ là hình thức thi chủ đạo của Chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô”. Chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô” trên internet được phát động sáng ngày 22/1/2018, tại trường THPT Tây Hồ, TP Hà Nội.
Tính đến cuối tháng 3/2018, có 30/30 quận, huyện của TP Hà Nội có thí sinh tham gia dự thi, với tổng số trên 50.000 thí sinh tham dự. Các thí sinh tham gia thi chủ yếu nằm ở 2 khối THPT và THCS. Hình thức thi trắc nghiệm trên internet được đánh giá sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng tham gia vào các năm tới.
Các tác giả, tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết "Vì an toàn giao thông Thủ đô 2017"
1 giải Nhất:
- Loạt bài: Lấy xe buýt làm trọng tâm giao thông đô thị, tác giả Trần Minh Tú - Chuyên gia giao thông, Công ty ALMEC (Nhật Bản).
2 giải Nhì:
- Hai loạt bài: Giải bài toán ATGT cho học sinh, sinh viên và Ẩn họa mất an toàn giao thông ở ngoại thành, tác giả Nhà văn Nguyễn Văn Học.
- Loạt bài: 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm; tác giả Ngọc Hải (báo Kinh tế & Đô thị).
5 giải Ba:
- “Trong ngắn hạn làm sao để giảm thiểu ùn tắc giao thông”, tác giả Đinh Quốc Thái ( Ban Quản lý Dự án – Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội).
- Loạt bài: Tạo đột phá cho giao thông công cộng, nhóm tác giả Vũ Dung - Mạnh Hưng (báo Quân đội Nhân dân).
- “Phát triển giao thông công cộng hiện đại: Giảm ùn tắc, bớt phương tiện cá nhân”, tác giả Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia tư vấn cao cấp Dự án cải thiện giao thông công cộng Hà Nội.
- “Đừng đổ lỗi cho số phận”, tác giả Trần Khánh Linh - Lớp 9E - Trường THCS Thạch Bàn.
- “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên: Không thể thiếu sự đồng hành của gia đình”, tác giả Trung úy Nguyễn Hữu Phước (Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an Hà Nội).
22 Giải Khuyến khích:
- “Đi xe buýt, tại sao không?”, tác giả Nguyễn Duy Khánh - Trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng
- “Đối thoại cùng trẻ để kiến tạo giao thông an toàn”, tác giả Tống Thị Như Hiển (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
- “Giảm ùn tắc giao thông bền vững: Đầu tư cả về hạ tầng và ý thức”, tác giả Lê Hải Yến - Lớp 59B Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế quốc dân.
- “Giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh: Chỉ lý thuyết là chưa đủ”, tác giả Đinh Thành Trung, Ban Kinh tế T.Ư.
- “Xử phạt người đi bộ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng: Cần thiết, nhưng không dễ thực hiện và Nên nhìn nhận theo một cách khác”, tác giả Vân Nhi (báo Kinh tế & Đô thị).
- “Xóa bỏ tư duy đi lại “từ cửa tới cửa”, tác giả Lê Thị Khánh Linh - Nghiên cứu sinh Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội.
- “Nghiệp dắt trẻ qua đường và Chuyện ông Thanh cứu thương”, tác giả Trần Thảo (báo Kinh tế & Đô thị).
- “Giảm thiểu ùn tắc giao thông: Lời giải từ ý thức làn đường”, tác giả Tiến Nguyên (báo điện tử Dân trí).
- “Đừng để người lớn làm “gương xấu” cho trẻ”, tác giả Nguyễn Thị Trang - Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN)
- “Năm học mới, nỗi lo cũ”, tác giả Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Hà Nội.
- “Nên thu thuế xe tải lưu thông trong nội đô”, tác giả TS Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp KH&KT Hà Nội.
- “Giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy: Sớm có những chế tài mạnh”, tác giả Đại úy Lê Thị Thảo - Đội CSGT, Công an huyện Thanh Trì – Hà Nội.
- “Hãy nói “xin chào, xin lỗi”, tác giả Đỗ Phương Thảo – Giáo viên Tiểu học Thành Công B
- “Lời kêu oan của... Rượu”, tác giả Ngô Thị Thanh – Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số II Hà Nội, xã Yên Bài, huyện Ba Vì.
- “Nóng vội khó tạo văn hóa giao thông”, tác giả Nguyễn Bá Sơn - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 4.
- “Đừng để tai nạn đường sắt trở thành nỗi ám ảnh”, tác giả Thiếu úy Nguyễn Xuân Tú - Công an huyện Thanh Trì.
- “Nâng chất lượng đào tạo để giảm tai nạn giao thông”, tác giả Huỳnh Hương Giang - Chuyên viên Ủy ban ATGT Quốc gia.
- “Giãn dân khỏi trung tâm để chống kẹt xe”, tác giả Dương Văn - P206 nhà A, tập thể Hồ Quỳnh, ngõ 88 Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng.
- “Dí dỏm trong tuyên truyền luật giao thông của giới trẻ”, tác giả Vân Hằng (báo Kinh tế & Đô thị).
- “Xe đạp điện với giao thông xanh”, tác giả Nghiêm Mỹ Khanh - Lớp 6a6, trường THCS Thanh Xuân.
- “Lấy âm nhạc để đẩy lùi vấn nạn giao thông”, tác giả Trương Trung Hưng - xã Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội.
- “Siết chặt quản lý xe đưa, đón học sinh, công nhân”, tác giả Lê Văn Giang - Khoa Công nghệ thông tin - Đại học Công nghệ GTVT.
11 tập thể có đóng góp xuất sắc cho cuộc thi
- Trường THCS Hoàng Liệt, Hoàng Mai
- Trường THCS Ái Mộ, Long Biên
- Trường THPT Tô Hiệu, Thường Tín
- Trường THCS Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì
- Trường THCS Thị trấn Văn Điển
- Trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân
- Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên
- Trường THPT Dương Xá, Gia Lâm:
- Trường THCS Định Công, quận Hoàng Mai
- Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình
- Lớp 5C, trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình.