Vấn đề nổi cộm nhất của các dự án BOT giao thông hiện nay là sự thiếu minh bạch về mức thu phí, tổng mức đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn của nhiều dự án BOT.
Sau những ồn ào xung quanh dự án cầu - đường Cỏ May ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây hơn chục năm, gần đây, ở tỉnh Phú Thọ, dự án BOT cầu Hạc Trì (xây dựng song song với cầu Việt Trì) gây ra những ồn ào mới. Để bảo đảm nguồn thu phí cho dự án này, lấy lý do cầu Việt Trì đã xuống cấp không còn an toàn, cơ quan quản lý nhà nước đã cấm các loại ô tô lưu thông qua cầu này, thậm chí còn cho đặt nhiều khối bê tông chắn ngay đầu cầu Việt Trì làm cho người dân bức xúc, phản đối. Người dân địa phương cho rằng với thời gian sử dụng chưa lâu và hàng ngày, các đoàn tàu hỏa tải trọng hàng trăm tấn vẫn lưu thông bình thường thì lý do cầu Việt Trì xuống cấp, nguy hiểm, phải cấm phương tiện đường bộ chỉ là cái cớ để ngành giao thông vận tải (GTVT) “dồn” phương tiện lưu thông vào dự án cầu Hạc Trì để thu phí.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có doanh thu thực tế hàng ngày cao hơn báo cáo tới hơn nửa tỉ đồng. Ảnh: baogiaothong.vn |
Sau nhiều kiến nghị, tranh cãi, khi Phó thủ tướng Chính phủ trực tiếp thị sát, chỉ đạo thì mới đây ngành GTVT mới đưa ra giải pháp dung hòa: sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp để cho một số loại phương tiện tiếp tục được lưu thông qua cầu Việt Trì.
Còn tại dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) thì nổi lên vụ tranh chấp ngay trong nội bộ các thành viên góp vốn đầu tư dự án này: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) là một bên góp vốn nghi ngờ ban quản lý dự án có biểu hiện gian lận doanh thu nên đã chủ động đặt camera quan sát tại trạm thu phí (nhưng bị vô hiệu hóa). Vụ việc đã buộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với tư cách là cơ quan quản lý, cấp phép cho dự án BOT giao thông phải vào cuộc, thực hiện giám sát trong 10 ngày. Kết quả đã chứng minh nghi ngờ của CIENCO1 là đúng: mức chênh lệch doanh thu giữa báo cáo và thực tế bình quân mỗi ngày rất lớn, tới hơn nửa tỉ đồng.
Trước phản ứng mạnh của dư luận xã hội, Tổng cục Đường bộ đã tiếp tục thực hiện giám sát việc thu phí của một vài dự án BOT khác, đồng thời Kiểm toán Nhà nước cũng vào cuộc, kiểm toán một số dự án BOT giao thông. Kết quả kiểm toán cho thấy tình trạng tiêu cực, rất đáng phải “mổ xẻ” sâu hơn. Cơ quan trực thuộc Quốc hội này đã đưa ra kiến nghị phải giảm thời gian thu phí dự án BOT cầu Cổ Chiên (ở tỉnh Trà Vinh) 5 năm 5 tháng; giảm thời gian thu phí một dự án trên quốc lộ 19 bảy tháng và đặc biệt là giảm tới gần 10 năm thu phí đối một dự án ở địa bàn Tây Nguyên.
Lý do thì đã rõ: các dự án đều “đẩy” tổng mức đầu tư “lên trời” nhằm tăng mức thu phí và kéo dài thời gian thu phí để hưởng lợi. Đó là chưa kể, gần đây báo chí đã chỉ ra tình trạng “tay không bắt giặc” của không ít dự án BOT giao thông: đa phần vốn đầu tư đi vay lãi suất cao dẫn đến tổng mức đầu tư phải cõng thêm phí lãi vay này để rồi “trăm dâu đổ đầu tằm” - người tham gia giao thông phải gánh chịu tất. Đó cũng chính là lý do của bất hợp lý đã được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước: không lý gì suất đầu tư mỗi ki lô mét đường cao tốc tại Việt Nam lại cao hơn tại nền kinh tế số 1 thế giới là nước Mỹ?
Việc thực hiện kiểm tra, giám sát mới thực hiện tại một số dự án BOT giao thông, tất nhiên chưa thể phản ảnh rõ thực trạng cần chấn chỉnh, xung quanh việc quy hoạch, cấp phép, thẩm định, hậu kiểm… các dự án BOT giao thông ở nước ta. Tuy nhiên, với những gì đã công bố, dư luận cho rằng đó không chỉ là hạn chế, yếu kém mà có biểu hiện tiêu cực và lợi ích nhóm?
Nhân dân, trước hết là những người kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, giới tài xế đang phải trả phí rất nhiều (thậm chí không được lựa chọn đi đường có thu phí hay không thu phí như các nước) mong muốn làm rõ câu chuyện đang tồn tại đằng sau các dự án BOT. Đó chính là thực hiện yêu cầu minh bạch hóa để củng cố lòng tin với những người đang đóng thuế nuôi bộ máy quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước.