Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong hôm nay 22/7, TP có 2 chợ phải tạm dừng hoạt động là chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi) do có ca mắc Covid-19.
Tuy nhiên, có 2 chợ được mở cửa trở lại là chợ Hóc Môn (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) và chợ Hưng Long (huyện Bình Chánh).
“Chợ Hóc Môn ngày đầu mở cửa có 9 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả với 190 lượt người đến chợ”, - đại diện Sở Công thương TP cho hay.
Theo số liệu của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP có 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19
Như vậy, tính đến 16 giờ 30 ngày 22/7 trên địa bàn TP vẫn giữ nguyên số chợ đang hoạt động là 32/237. Các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn là TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Nhà Bè.
Trước đó, ngày 21/7, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đề xuất mở lại chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Cụ thể, báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá, nếu không có biến động lớn, khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng, khu vực phía Nam vẫn ổn định.
Nhưng riêng với TP, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị, UBND TP phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn. Việc này nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu của TP.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hoá dịch vụ thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn phòng, chống Covid-19 tại các chợ truyền thống trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ngoài áp dụng các biện pháp phòng dịch, 5K..., tổ chức xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hàng tuần.
Để các chợ truyền thống có thể hoạt động trở lại an toàn, Sở Công Thương TP có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm hướng dẫn công tác tổ chức an toàn.
Riêng với 3 chợ đầu mối, ngoài đảm bảo các biện pháp phòng dịch, cần ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ cho người lao động tại điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối. Các chợ cũng cần bố trí lực lượng trực kiểm tra người ra vào chợ chặt chẽ. Đồng thời, các chợ cũng nên bố trí luân phiên cho tiểu thương kinh doanh bán hàng, giãn cách các quầy sạp hoặc bố trí cho tiểu thương bán xen kẽ.
TP Hồ Chí Minh dùng xe buýt chở rau củ quả bán lưu động cho người dân Mới đây, nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, bất ngờ khi thấy những phương tiện xe buýt chở đầy rau củ quả để bán. Đây là lần đầu tiên, thay vì chở hành khách, xe buýt được huy động chở hàng hóa. Theo đó, hàng chục tuyến xe buýt ở TP đã bất ngờ chạy trên nhiều tuyến phố khiến người dân khá bất ngờ. Trước đó, toàn bộ các phương tiện này đã bị tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, những chuyến xe buýt này khá đặc biệt, không chở hành khách như thông thường mà thay vào đó là rau củ quả, hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá cho người dân ở TP. Cụ thể, trên phần thân xe buýt có ghi từng loại hàng, giá cả rõ ràng để người dân chọn lựa. Việc xe buýt có thể di chuyển, tiếp cận các khu dân cư khiến cho hoạt động mua bán thực phẩm nhiều khu vực thuận tiện hơn trong thời gian giãn cách xã hội. Thay vì phải xếp hàng cả giờ đồng hồ tại các siêu thị người dân không phải di chuyển nhiều khi xe buýt tới từng địa điểm cư dân để bán hàng với giá rất hữu nghị. |