Ngày 9/10, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan thử nghiệm thu gom chất thải rắn trên sông Vàm Thuật - Bến Cát (quận Gò Vấp) bằng công nghệ mới. Tổng giá trị bộ thu gom rác là 20 tỷ đồng, trong đó mỗi máy gắp rác cơ động nhập khẩu từ Mỹ có giá 3,5 tỷ. Các thiết bị còn lại do kỹ sư Việt Nam phát triển.
Bộ thiết bị vớt rác hiện đại được TP Hồ Chí Minh đầu tư ban đầu khoảng 20 tỷ đồng.
Thiết bị gắn cẩu gắp rác và 2 máy gắp rác cơ động loại nhỏ. Trong đó, sà lan thu rác có tầm với 12 m, chạy trên luồng chính. Rác sau khi thu gom được nén để tiết kiệm diện tích chứa. Việc gom rác sẽ được triển khai định kỳ một lần mỗi tháng.
Theo ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông thuỷ, Sở Giao thông Vận tải TP, mô hình nói trên cần chưa đến 10 công nhân, mỗi ca làm việc 8 giờ có thể vớt được 40 tấn rác. Hệ thống có mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng gồm: 2 máy vớt rác, sà lan, cẩu, máy thu rác tự động. Một số thiết bị của máy phải nhập khẩu, còn lại do kỹ sư trong nước sản xuất.
"Hế thống có thể thu gom nhiều loại rác, đặc biệt những rác lớn, nặng mà sức người khó vớt. Qua đánh giá sơ bộ, giải pháp này vớt được lượng rác lớn, kể cả rong, lục bình và rác ven bờ, đảm bảo vệ sinh môi trường cho các sông rạch trên địa bàn", ông Sơn nói.
Việc đầu tư thiết bị hiện đại để vớt rác trên các tuyến kênh được nhiều người dân ủng hộ. Với thiết bị này, nhiều người dân cho rằng lượng rác trên các tuyến kênh sẽ được làm sạch một cách đáng kể, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được ngập úng.
Theo Sở Giao thông Vận tải, trước mắt sở này sẽ tham mưu, trình UBND TP cho thí điểm thiết bị trong tháng 11 và 12. Sau đó sẽ xây dựng định mức, đơn giá để TP ban hành, triển khai chính thức trong năm 2021.