Người chơi dùng VNĐ mua Bitcoin (BTC - loại tiền tệ kỹ thuật số được trao đổi qua internet) rồi gửi cho chủ sàn thông qua một website của nước ngoài với lãi suất 1,5%-4% BTC/ngày và được chi trả hằng ngày. Một phụ nữ tên Hồng gợi ý như vậy để thu hút người chơi tiền gửi qua website. Theo người này, sàn bitinet.net vừa kích hoạt kênh tiền gửi BTC tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia cách đây 1 tuần. Sau đó, chủ sàn - tập đoàn Bitinet có trụ sở ở Anh - sẽ mở rộng sân chơi đến 63 quốc gia. Do đó, người chơi có thể giao dịch BTC với cộng đồng quốc tế.
Mù mờ phương thức ủy thác
Bà Hồng cho biết: “Đây là hình thức ủy thác đầu tư cho Bitinet kinh doanh điện năng ở châu Á. Theo đó, người chơi có thể tham gia gói từ 0,1-10 BTC và 1 BTC hiện có giá trị chuyển đổi 14 triệu đồng. Ví dụ, với gói 6,1 BTC (khoảng 83 triệu đồng), người chơi nhận được 4% lãi suất/ngày. Như vậy, trong 25 ngày đầu, người chơi sẽ nhận đủ vốn, 10 ngày tiếp theo nhận 50% tiền lãi; các ngày còn lại tiếp tục nhận lãi cho đến hết 50 ngày là kết thúc một chu kỳ; tính ra, lãi suất lên tới 200%. Trong khoảng thời gian này, người chơi không được rút hết tiền lãi mà phải tái đầu tư 50% số lãi đã nhận. Như vậy, trong chu kỳ thứ nhất, người chơi đã thu hồi vốn và nếu cất giữ thì trong chu kỳ tiếp theo, nhà đầu tư sẽ chơi với số vốn là 100% tiền lãi, trong đó 50% là vốn mới, phần còn lại là khoản tái đầu tư”.
Sàn bitinet.net đang thu hút nhiều người chơi |
“Vậy tiền đâu Bitinet trả lãi, nhà đầu tư mua BTC ở đâu?” - tôi hỏi và được ông Minh, người đi cùng bà Hồng, tải về điện thoại của tôi phần mềm Blockchain, được gọi là ví BTC. Sau đó, ông hướng dẫn tôi cài bảo mật 8 lớp ví BTC để an toàn khi chuyển - nhận tiền, thông tin từ chủ sàn gửi về điện thoại. “Còn BTC thì người chơi mua bằng VNĐ tại địa chỉ tienaovn.com, santienao.com hoặc gửi đường link ví BTC để tôi bán cho và chỉ nhận tiền sau khi người chơi nhận được BTC. Như thế, người chơi sẽ yên tâm hơn khi mua qua mạng” - ông Minh thuyết phục. “Tiếp đến, nhà đầu tư cung cấp CMND, địa chỉ mail để chủ sàn cấp số tài khoản (ID) giao dịch, rồi chuyển BTC từ ví BTC của mình vào tổng Blockchain của Bitinet là xong. Riêng nguồn tiền để trả lãi thì tập đoàn Bitinet lấy từ lợi nhuận mua - bán BTC, kinh doanh điện năng” - bà Hồng bổ sung.
Chủ sàn không rõ ràng
Thấy tôi thắc mắc cách thức chuyển BTC sang VNĐ và việc muốn rút vốn trước hạn, bà Hồng giải thích: “Giả sử chơi 10 BTC, chủ sàn trả lãi suất 4%/ngày nhưng mới được 10 ngày, anh muốn rút vốn, tính ra anh chỉ mới nhận 40% vốn đầu tư. Vì thế, việc rút vốn chỉ có thể diễn ra khi anh thu hồi đủ vốn. Lúc đó, nếu anh muốn bán BTC thì tôi sẽ mua theo giá của thị trường”.
Khi tôi đặt ra tình huống người chơi không nhận được vốn và lãi thì ai sẽ chịu trách nhiệm, bà Hồng cố thuyết phục: “Ngày 25-10 sẽ có 5 người của Bitinet đến Việt Nam tiếp xúc các nhà đầu tư. Những đại diện này sẽ cam kết bồi thường 100% vốn gốc nếu từ nay đến cuối năm 2016, sân chơi Bitinet.net có trục trặc. Để tạo niềm tin, bọn tôi sẽ tạm ứng cho anh 10% vốn gốc vì đây là số tiền hoa hồng mà chúng tôi sẽ nhận được. Còn mọi giao dịch không có chứng từ gì hết ”. Ngay sau đó, ông Minh và bà Hồng mở điện thoại cho tôi xem họ đã chơi và nhận lãi hằng ngày từ sàn Bitinet.net.
Theo bà Hồng, trong 3 tháng đầu tiên, chủ sàn tập trung khai thác thị trường và bà là một những người tìm kiếm người chơi, phát triển hệ thống. “Do đó, nhà đầu tư nên tham gia từ đầu vì nếu trong vài tháng tới, bitinet.net rút khỏi Việt Nam thì đã thu hồi vốn” - bà Hồng nói.
Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư tài chính từng trải cảnh báo loại hình ủy thác đầu tư tiền gửi nêu trên có dấu hiệu bất thường. Gần đây, nhiều người từ Hà Nội kéo vào TP HCM chiêu dụ người chơi ủy thác đầu tư BTC qua sàn nước ngoài nhưng không ai xác minh được danh tính, năng lực tài chính của chủ sàn.
Truy cập sàn bitinet.net, chúng tôi cũng không tìm thấy thông tin nào thể hiện yếu tố pháp lý, lợi nhuận của chủ sàn ngoài một số thông tin giới thiệu chức năng kinh doanh điện, mua - bán BTC...
Không được pháp luật bảo vệ
Ngân hàng Nhà nước cho biết BTC không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; ẩn chứa nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho người đầu tư, trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp... Bộ Công Thương cũng xác định BTC không phải là 1 loại hàng hóa do bộ này quản lý.
Theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), loại hình ủy thác đầu tư BTC là hình thức kinh doanh đa cấp trái pháp luật vì đây là tiền ảo nên xảy ra tranh chấp thì không có cơ sở pháp lý để phân xử. Vấn đề nguy hiểm lớn nhất là sau khi đã gửi BTC cho chủ sàn, người chơi vài lần được trả lãi đúng thời hạn. Khi thấy có lãi nhiều, người chơi tiếp tục vay mượn hay bán tài sản để mua - gửi thêm BTC nhằm kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Khi sàn xảy ra sự cố, chỉ có người chơi lãnh hậu quả vì không được pháp luật bảo vệ.
Đánh sập website khi người chơi giảm Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), công an tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và TP HCM cùng cơ quan chức năng vừa phá chuyên án website huy động vốn theo mô hình đa cấp vào ngày 3-10. Theo C50, Trần Văn Hạnh (SN 1988) và Phạm Văn Trường (SN 1987) khai nhận lập trang web www.gold889.com để thu hút người gửi tiền. Theo đó, người chơi sẽ chi 150.000 đồng để mua mã PIN của trang web và khi chuyển 2,6 triệu đồng, họ sẽ nhận về 4 triệu đồng sau 9 ngày tham gia. Hạnh và Trường thừa nhận sẽ chủ động đánh sập trang web khi người chơi giảm, không còn đủ tiền để chi trả như đã hứa hẹn. Mới hoạt động được một tháng nhưng trang web này đã huy động hơn 10 tỉ đồng, chiếm đoạt gần 3 tỉ đồng của nhiều người chơi. |