Thứ 6, 22/11/2024, 02:33 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cần thêm cơ chế bảo vệ nhà báo

Cần thêm cơ chế bảo vệ nhà báo
(Tieudung.vn) - Chuyện nhà báo, phóng viên bị đe dọa, hành hung đang trở nên đáng báo động. Điều đáng nói, Luật Báo chí và các văn bản dưới Luật đã quy định rõ việc bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp, nhưng từ văn bản đến thực tế lại là một khoảng cách quá xa.

Nhiều nhà báo bị hành hung

Lăn xả, đeo bám đề tài điều tra hóc búa, có công phanh phui biết bao vụ tiêu cực, khuất tất, song nhiều nhà báo vẫn chưa thật sự được bảo vệ an toàn. Nhiều vụ việc nhà báo bị đe dọa, hành hung, các thủ phạm không được đưa ra ánh sáng và sự việc đi vào im lặng.

Các cơ quan chức năng thống kê, 5 năm trở lại đây có 50 vụ tấn công nhà báo. Xin điểm qua vài vụ xảy ra năm 2016, như ngày 23/3, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao động) bị 3 đối tượng hành hung tại khu vực phía sau chung cư Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội); ngày 6/11, phóng viên Nguyễn Tùng (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) và đồng nghiệp là Phạm Hiển (phóng viên báo Pháp luật Việt Nam) bị đánh tại huyện Thanh Oai (Hà Nội); nhà báo Đặng Văn Nghịnh và Nguyễn Anh Tuấn, Phòng Thời sự, Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên bị hành hung khi đang thực hiện phóng sự điều tra về tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Quân Chu (huyện Đại Từ).

Mô tả ảnh
Phóng viên báo T.Ư và Hà Nội tác nghiệp một sự kiện trước Tượng đài Lý Thái Tổ.   Ảnh: Thanh Hải.

Năm 2017, vào ngày 28/2, nhà báo Văn Thanh, Văn phòng đại diện báo Thanh tra khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị hành hung trong quá trình lấy thông tin về tình trạng khai thác quặng tại xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa); sáng 13/6, một nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang tác nghiệp ghi hình tại khu vực trước cửa số nhà 172 QL3, thuộc địa phận xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thì bị một người đàn ông điều khiển bán tải đâm vào nhưng không trúng, chiếc máy quay phim của nhóm phóng viên đã bị chiếc ô tô này nghiền nát…

Trên những bước đường tìm hiểu, điều tra, ngay như tác giả bài viết này cũng từng đối mặt với hiểm nguy, mà bản thân nếu không tìm cách tự bảo vệ thì đã phải lĩnh hậu quả.

Chia sẻ nỗi niềm, không ít nhà báo cho rằng, hiện nay, cơ chế và sự hậu thuẫn để bảo vệ còn chưa được nâng cao, chưa giúp nhà báo có một điểm tựa vững chắc để nuôi ngọn lửa đam mê. Nhà báo Nguyễn Anh Thế - Trưởng ban Bạn Dân trí cho biết: “Có Luật, nhưng chế tài xử lý chưa mạnh, Luật vẫn chưa đi vào thực tiễn là một thực tế thách thức những người làm báo”.

Anh Thế nhận định, các đối tượng cản trở tiếp cận thông tin “bật” lại nhà báo “nhoay nhoáy”, thậm chí dùng các phương tiện ghi âm, quay lén ngược lại nhà báo. Nhà báo làm điều tra ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, thậm chí là những thế lực lớn, tinh vi. Bởi vậy, cần tăng tính chủ động phối hợp của các đơn vị chuyên ngành, lực lượng công an trong điều tra, xử lý những trường hợp hành hung nhà báo.

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Thái Thiên - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho rằng, dù Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin (2016) đã được Quốc hội thông qua, và trước đó, nhiều văn bản cũng quy định về việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp, nhưng thực tế vẫn còn những khoảng trống. Do vậy, trước hết nhà báo vẫn phải tự bảo vệ mình, đồng thời các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực hơn nữa để bảo vệ, tạo niềm tin cho nhà báo thực thi nhiệm vụ.

Sự hậu thuẫn cần thiết

Nhìn nhận từ góc độ đạo đức nghề nghiệp, không thể phủ nhận một bộ phận nhà báo hiện nay đang lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, kiếm tiền bất chính. Báo chí đang đối đầu với quá nhiều khó khăn, trong đó đáng sợ nhất là “kinh tế báo chí”. Hoạt động phát hành báo in, báo chí suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các nguồn thu, làm cho kinh tế của nhiều tờ báo và nhiều nhà báo khó khăn. Từ đó, một bộ phận nhà báo lao đi kiếm tiền bằng mọi giá là một thực trạng đáng xấu hổ hiện nay.

Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Tuy vậy, dù nhiều nhà báo bị hành hung, đánh đập nhưng hiệu quả xử lý thấp, điều đó ảnh hưởng lớn đến nhiệt huyết của phóng viên, nhà báo.

Theo một số cây bút phóng sự, vượt qua được sự cân nhắc “thiệt hơn” thì nhà báo sẽ thảnh thơi lăn xả vào cuộc sống để phát hiện đề tài. Có khi chỉ một vấn đề nhỏ được hé lộ, mà nhà báo tìm ra căn cứ để phát triển cả vệt bài. Khi ta có lập trường vững chắc, là thông tin khách quan, thì cũng giảm đi những phi vụ nhà báo bị mua chuộc. Thêm một vấn đề mà không ít nhà báo đàn anh , và tôi cũng rất thấm thía là nhà báo cần sự dũng cảm, lên tiếng vì lẽ phải. Dũng cảm trong môi trường của chính nhà báo, và dũng cảm trong môi trường của hiện thực cuộc sống. Cả hai vấn đề đều quan trọng. Bởi các hành động tiêu cực, cái khiếm khuyết được bao bọc rất kỹ lưỡng, có tổ chức tinh vi nên rất khó điều tra. Trong khi nhà báo hoạt động trên lập trường lẽ phải thì đứng độc lập, thiếu lực lượng bảo vệ và dễ bị mua chuộc, hoặc đe dọa.

Nhà báo Phùng Sưởng - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong : “Hiện tại, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp cho những người làm báo. Sắp tới, các liên chi hội và chi hội nhà báo cũng sẽ triển khai thành lập Hội đồng đạo đức nghề nghiệp tại các tòa soạn. Hy vọng đây là một trong những giải pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo để từ đó hạn chế phần nào các tiêu cực”.

Là người hiểu luật và nắm chắc kỹ năng, nghiệp vụ điều tra, nhà báo Phùng Sưởng cho biết thêm, nhà báo khi tác nghiệp, ngoài phải hiểu luật và vấn đề mình định điều tra, thì phải có kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin. Bởi vũ khí quan trọng của nhà báo chính là sự thật.

Một điều khác nữa, để khích lệ và làm điểm tựa cho nhà báo điều tra, thì chính lãnh đạo cơ quan, mà trực tiếp là Tổng Biên tập, cần hiểu công việc của anh em phóng viên điều tra, kịp thời động viên họ sau mỗi bài viết công phu, có tính phát hiện bằng cách tăng nhuận bút, thưởng nóng… Và, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì đòi hỏi cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí phải sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của phóng viên. Đây là thực tế không phải cơ quan nào cũng làm được. Có những đơn vị, khi xảy ra vụ việc, hoặc rủi ro nào đó, thay vì bảo vệ, chia sẻ trách nhiệm, lại tìm cách đổ lỗi cho phóng viên.

Xét đến cùng, phóng sự điều tra là một trong những mục quan trọng làm nên sức hấp dẫn, sức sống mà không ít nhà báo cho rằng là “trọng pháo” của tờ báo. Khi việc bảo vệ nhà báo còn chưa được thực thi tốt nhất, thì các lãnh đạo tòa báo cần khích lệ kịp thời. Đó là điều giúp các phóng viên không có cảm giác chán nản, e dè trong làm nhiệm vụ, giảm nhuệ khí khi đấu tranh với các hành vi tiêu cực vốn rất gian nan và nhọc nhằn.

Tags:
3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá

Pháp luật

Sửa Luật Quảng cáo: rà soát, đối chiếu với các luật để hạn chế chồng chéo
(Tieudung.vn) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn...
 
TP Hồ Chí Minh: Bắt ca sĩ Quốc Kháng và Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy
(Tieudung.vn) Do có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên ca sĩ Quốc Kháng và Lê Nguyễn...
 
Chuyển Công an điều tra Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn
(Tieudung.vn) Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh...

Muôn màu

Tử vi ngày 22/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Xử Nữ không nên vội vàng bỏ cuộc
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ sáu ngày 22/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Xử Nữ không nên...
 
Căng thẳng mùa deadline cuối năm: Làm gì để giảm stress, giải nhiệt cuộc sống mỗi ngày?
(Tieudung.vn) “Dù công việc gia tăng mỗi ngày nhưng mình có cách giảm stress, thích nghi với deadline gấp...
 
Tử vi ngày 21/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Song Ngư không nên quá căng thẳng
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ năm ngày 21/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Song Ngư không nên...

Du lịch - Ẩm thực

Phở bò Việt Nam lọt top 20 món súp ngon nhất thế giới
(Tieudung.vn) Món phở bò của Việt Nam tiếp tục ghi danh trong danh sách 20 món súp ngon nhất...
 
3 điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
(Tieudung.vn) An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn...
 
Du lịch tăng tốc đón khách quốc tế cuối năm
(Tieudung.vn) Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.72389 sec| 886.867 kb