Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Đ.C)
Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị này nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.
Mới đây, đại diện Bộ Y tế đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.
Hiện nay, nghị định 100/2019 quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với 3 mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ôtô.
Cụ thể, với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở; người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.
Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở; người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Với ôtô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.
Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn với các lái xe, theo một chuyên gia của Bộ Y tế, luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Quy định này áp dụng ổn định đối với người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm, trước khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.
Trước đó, tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức sáng 29/1, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá mức xử phạt hành chính đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn đã tương đối cao, có tính răn đe tốt.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Ví dụ người uống 5 cốc bia hay 30 cốc bia đều có thể bị phạt ở mức như nhau. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.
Do đó, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3 vẫn nên phân tách thành các mức phạt hành chính cao hơn. Tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc thì cần xử lý hình sự.