Hành khách làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: hqhcm.gov.vn
Hiện nay thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được quy định từ Điều 57 đến Điều 60 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30, khoản 31 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP).
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan quy định còn có một số nội dung chưa phù hợp. Chẳng hạn, người xuất cảnh, nhập cảnh được gửi hành lý của vào kho trong thời hạn không quá 180 ngày nhưngkhông quy định rõ kho của cơ quan nào
Thực tế có nhiều trường hợp, hành lý đi cùng khách trên chuyến bay nhưng khi cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì từ chối nhận hàng, gây khó khăn trong công tác quản lý. Nghị định chưa có quy định trách nhiệm của đơn vị vận chuyển hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp hành lý không xác định được chủ sở hữu và việc xử lý đối với hàng hóa này. Nghị định chỉ quy định về xử lý hàng hóa trong trường hợp hàng hóa mà người xuất cảnh, nhập cảnh gửi kho quá thời hạn.
Đồng thời, Tại Nghị định có quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh gửi trước, gửi sau chuyến đi, nhưng chưa có quy định về thời hạn mà người nhập cảnh phải làm thủ tục hải quan đối với hành lý cùng chuyến nhưng vượt định mức miễn thuế.
Soi chiếu hành lý xuất cảnh. Ảnh: binhphuoc.gov.vn
Theo Tổng cục Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc trong thực tế.
Cụ thể, hành lý được gửi vào kho của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng thì khoản 5 Điều 59 dự thảo Nghị định bổ sung quy định, người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm gửi hành lý vào kho của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng tại cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh. Thời gian tạm gửi hành lý không quá 180 ngày, kể từ ngày hành lý được gửi vào kho. Khách xuất cảnh chỉ được gửi hành lý vào kho trước khi vào khu cách ly.
Cuối ngày doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng gửi thông tin về hàng hóa gửi kho cho Chi cục hải quan cửa khẩu thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo mẫu ban hành kèm theo nghị định.
Khoản 7 Điều 59 dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của đơn vị vận chuyển hành lý hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp hành lý không xác định được chủ sở hữu, hành lý không có người nhận.
Cụ thể, trong trường hợp hành lý vận chuyển bằng đường không, không có thẻ hành lý, không xác định được chủ sở hữu hành lý, hãng hàng không hoặc người đại diện hợp pháp phải có trách nhiệm xác minh thông tin chủ sở hữu hành lý.
Trường hợp không xác định được chủ sở hữu hành lý, hãng hàng không hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan trong việc thanh lý hành lý theo quy định của pháp luật.
Nhân viên hải quan hướng dẫn hành khách làm thủ tục với hành lý. Ảnh:haiquanonline.com.vn
Khoản 6 Điều 59 dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan đối với hành lý gửi cùng chuyến và vượt định mức miễn thuế.
Theo đó, trong thời hạn tạm gửi hành lý (quy định tại Khoản 5 Điều 59), nếu người xuất cảnh, nhập cảnh có văn bản từ bỏ hành lý tạm gửi hoặc quá thời hạn tạm gửi hành lý nhưng người xuất cảnh, nhập cảnh không nhận lại hoặc cơ quan, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng tại cửa khẩu xác định chủ hành lý thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật