Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 18/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018.
Theo đó, thông tư sửa đổi này bãi bỏ quy định khi kê đơn cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi (6 tuổi) là phải ghi trên đơn thuốc số chứng nhân dân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ trên toa thuốc.Thay vào đó là ghi số tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.
Cũng theo quy định mới này, đơn thuốc sẽ ghi điện thoại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của khoa hoặc của bác sĩ/y sĩ kê đơn thuốc; ghi tuổi của người bệnh; tên bố hoặc mẹ của trẻ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh (chỉ ghi đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi): hỏi người đưa trẻ đến khám; địa chỉ liên hệ: ghi địa chỉ của người bệnh để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể liên hệ, trao đổi thông tin khi cần thiết; lời dặn của nhân viên y tế về độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt làm việc và hẹn tái khám (nếu cần).
Mẫu đơn thuốc mới theo quy định tại Thông tư 18/2018/TT-BYT.
Trước đó, một trong những nội dung gây tranh cãi tại mẫu đơn thuốc được quy định tại thông tư 52 của Bộ Y tế có hiệu lực từ tháng 3/2018 về kê đơn thuốc ngoại trú là đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bố, mẹ, người giám hộ của trẻ, sau đó mới đến các thông tin như số thẻ BHYT, chẩn đoán bệnh, các thuốc được kê và lời dặn dò với gia đình.
Phản ứng nội dung này, nhiều bác sĩ và người dân cho rằng đây là những quy định gây phiền phức. Bởi nếu Bộ Y tế đã quy định mà bác sĩ không ghi thì không thực hiện đúng đơn thuốc mẫu, dẫn tới vi phạm. Tuy nhiên, nếu cha mẹ khi đưa trẻ đi khám bệnh, chẳng may không mang hoặc không nhớ số CMND/thẻ căn cước thì không lẽ bác sĩ lại không kê đơn thuốc, nhất là trong tình trạng khẩn cấp. Nhất là hiện nay, trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí việc đi khám, điều trị; chỉ cần xuất trình thẻ này thì đã đảm bảo đủ thủ tục cần thiết, không nhất thiết phải yêu cầu cha, mẹ xuất trình CMND.
Ngoài ra, theo thông tư mới việc kê đơn thuốc gây nghiện phải do bác sĩ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú thực hiện. Số lượng thuốc mỗi lần kê đơn tối đa là 10 ngày.
Ngoài ra, thông tư sửa đổi bổ sung một quy định mới nhằm đảm bảo cung ứng thuốc gây nghiện cho người bệnh khi mắc những bệnh lý có chỉ định sử dụng thuốc gây nghiện, điều trị ngoại trú nhưng gặp khó khăn do không có nhà thuốc đăng ký bán thuốc gây nghiện trên địa bàn.
Theo quy định này, khoa dược của các bệnh viện phải cung ứng thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú trong trường hợp trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở bán thuốc gây nghiện.