Nguyên nhân bà Nguyễn Thị Giang Hương bị kỷ luật
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Giang Hương bị kỷ luật cách chức Phó Bí thư Huyện uỷ Nhơn Trạch vì: “đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che nguồn gốc số tiền chưa kê khai; không cung cấp cho Tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Đồng chí Nguyễn Thị Giang Hương làm những việc làm pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, địa phương, vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của đảng viên” (báo Nhân dân online ngày 16/6).
Bà Nguyễn Thị Giang Hương
Như vậy, nguyên nhân bà Nguyễn Thị Giang Hương bị kỷ luật là do “đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập”.
Những quy định về việc cán bộ, đảng viên kê khai tài sản thu nhập hằng năm không trung thực
Về mặt đảng: Điểm e khoản 2 Điều 39 Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị “về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm” (từ đây gọi là Quy định số 69) liệt kê các vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, có quy định về việc đảng viên: “Kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực”.
Theo đó, nếu đảng viên vi phạm điều này lần đầu nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
Về mặt hành chính: Các quy định về cán bộ kê khai tài sản không trung thực được đưa vào diện vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, những ai có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không đúng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Khoản 1 Điều 20 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai, theo đó: Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng”. Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định:
(1). Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
(2). Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
(3). Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương không thuộc trường hợp quy định tại khoản (1), khoản (2) nêu trên mà thuộc trường hợp quy định tại khoản (3). Vì vậy nếu kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, cách chức, hoặc bãi nhiệm.
Đồng bộ giữa kỷ luật của đảng với kỷ luật hành chính
Kỷ luật đảng hiện nay thực hiện theo Quy định số 69-QĐ/TW. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Quy định số 69 thì đối với đảng viên chính thức có 4 hình thức kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
Kỷ luật về hành chính hiện nay thực hiện theo Nghị định số: 112/2020/NĐ-CP, ngày 18/9/2020 của Chính phủ “về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức” (từ đây gọi là Nghị định số 112) và Nghị định số: 71/2023/NĐ-CP, ngày 20/9/2023 của Chính phủ: “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”.
Về mặt đảng, bà Nguyễn Thị Giang Hương bị kỷ luật cách chức Phó Bí thư. Về mặt hành chính, bà là cán bộ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Nghị định số: 112 thì đối với cán bộ có 4 hình thức kỷ luật, đó là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Quy trình tiếp theo về công tác cán bộ theo nguyên tắc đồng bộ giữa kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính thì bà Nguyễn Thị Giang Hương sẽ bị cách chức chủ tịch UBND huyện. Đối với cán bộ, hình thức kỷ luật cao nhất là “bãi nhiệm”. Khi bị cách chức Chủ tịch UBND huyện đương nhiên bà Hương sẽ không còn là Chủ tịch UBND huyện, thế nhưng chức vụ Chủ tịch UBND huyện lại do Hội dồng Nhân dân huyện bầu. Vì vậy, Hội đồng Nhân dân sẽ phải họp để “miễn nhiệm” chức vụ Chủ tịch UBND huyện của bà Hương (miễn nhiệm, chứ không phải bãi nhiệm - người viết nhấn mạnh).
Về mặt đảng, bà Nguyễn Thị Giang Hương là Phó Bí thư Huyện uỷ Nhơn Trạch, như vậy bà cũng là Huyện uỷ viên và là Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ Nhơn Trạch. Trong trường hợp này, bà Giang chỉ bị cách chức phó bí thư, vì vậy bà vẫn là Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Nhơn Trạch. Với vị trí là Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, tổ chức sẽ cân nhắc để sắp xếp, bố trí công tác phù hợp với vị trí về mặt đảng mà bà Nguyễn Thị Giang Hương đảm nhiệm./.