Báo Công an nhân dân đưa tin, sau một thời gian kiên trì đấu tranh và bằng các chứng cứ thu thập được CQĐT đã buộc Đỗ Tú Anh (20 tuổi, ĐKTT tổ Lãm Khê, phường Đồng Hòa) phải khai nhận động cơ phạm tội bắt cóc bé trai 2 tuổi ở quận Kiến An, Hải Phòng.
Theo đó, đối tượng Tú Anh (20 tuổi, trú tại tổ Lãm Khê, phường Đồng Hòa) khai nhận, trước đây đối tượng ở gần nhà bà Gái (người trông giữ trẻ) và có thời gian gửi con tại đây. Trong thời gian đó giữa hai bên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn. Đối tượng đã nảy sinh thù hằn và tìm cách trả thù gia đình bà Gái.
Nắm bắt được qui luật về giờ giấc, cách trông giữ trẻ của bà Gái nên đối tượng đã lên kế hoạch bắt cóc cháu Đ., với mục đích hạ uy tín nơi trông trẻ của bà Gái.
Để thực hiện kế hoạch, Tú Anh đã nhờ cháu họ là Trang đón cháu Đức hộ. Ngày 13/12, Tú Anh nói với Trang do bố mẹ cháu Đ. đang ly thân, chị Duyên (mẹ cháu Đ.) thường bị chồng đánh đập, không cho gặp con mình nên muốn nhờ Tú Anh đến đón để mẹ con gặp nhau. Nhưng vì bà Gái đã biết mặt Tú Anh nên có thể sẽ không cho Tú Anh đón cháu Đ.
Đối tượng Đỗ Tú Anh.
Nghe thuận tai nên Trang đã nhận lời với Tú Anh. Sau đó Trang gọi cho bạn là Thúy đến cùng đi đón cháu Đức.
Sau khi đón được cháu Đức, Tú Anh đưa lên xe đạp điện chở cháu đi lòng vòng. Do phát hiện lực lượng Công an bủa vây gắt gao lên Tú Anh đem cháu bé đến cổng chùa cách xa nhà chị Gái 6km thả cháu xuống rồi về nhà.
Tại cơ quan công an, Trang và Thúy cũng khai nhận được Tú Anh nhờ đón cháu Đ. Chiều tối ngày 13/12, Trang và Thúy chở nhau bằng xe máy đến khu vực nhà bà Gái, giả làm người thân vào đón cháu Đức. Do nhầm tưởng Thúy là người nhà cháu Đức nên bà Gái đã cho Thúy đón.
Căn cứ các chứng cứ, tài liệu và lời khai của đối tượng ngày 29/12, Công an quận Kiến An đã khởi tố bị can đối với Đỗ Tú Anh về hành vi chiếm đoạt trẻ em và áp dụng các biện pháp điều tra theo qui định của pháp luật vì Đỗ Tú Anh đang nuôi con nhỏ.
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Chú ý: Thông tin pháp lý trong đoạn in nghiêng này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo