Hàng trăm người vẫn tập trung tại chùa hành lễ
Bất chấp dịch COVID-19 người dân vẫn đi lễ chùa
Sau chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đề các cơ sở văn hóa, danh lam thắng cảnh, dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở thờ tự, nơi có tập trung đông người tạm dừng hoạt động để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế việc lây lan, các cơ sở đã thực hiện nghiêm việc khử khuẩn, đóng cửa để hạn chế tập trung đông người. Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số cơ sở thờ tự như đền Quán Thánh, chùa Trần Quốc; chùa Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) thông báo đóng cửa do dịch COVID-19. Người dân được khuyến cáo vái vọng bên ngoài để hạn chế tập trung đông người.
Tuy nhiên, ngày 24/3 (tức mùng 1 tháng 3 Âm lịch), tại các cơ sở văn hóa tâm linh như: Phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ vẫn diễn ra tình trạng tập trung đông người. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), hàng trăm người dân vẫn đến để thực hành tín ngưỡng đầu tháng. Một trong những điều khác biệt tại chùa Phúc Khánh thời điểm này là cửa chính của chùa đã đóng, người dân phải đi cổng phụ. Tuy nhiên, dịch vụ trông giữ xe, cửa hàng kinh doanh vàng mã, hoa quả lấn chiếm lòng đường vẫn diễn ra.
Ở một cơ sở thờ tự khác nổi tiếng của Thủ đô là chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), hoạt động văn hóa tâm linh cũng diễn ra tương tự. Hàng trăm người dân vẫn tập trung đến chùa hành lễ vào dịp đầu tháng. Đặc biệt, ngay từ cổng nhà chùa vẫn treo biển thông báo lịch trình phục vụ tín ngưỡng như: “Lễ cầu siêu độ cho các vong linh quá cố và các vong thai nhi vào 8 giờ các ngày Chủ nhật (29/3, 5/4, 12/4, 19/4)”. Mặc dù tại các cơ sở thờ tự trên đều có dán thông báo hạn chế tập trung đông người nhưng việc mở cửa vào ngày mùng 1 đầu tháng đã gián tiếp nới lỏng cho người dân thực hiện nghi lễ tín ngưỡng tâm linh.
Cần thắt chặt công tác quản lý đề phòng dịch bệnh
Tại Phủ Tây Hồ, theo ghi nhận của phóng viên trưa 24/3, hàng nghìn người dân vẫn vào khuôn viên Phủ để lễ bái. Các hoạt động kinh doanh như bán hương hoa, vàng mã, viết sớ diễn ra ngay trong khuôn viên Phủ. Đồng thời, biển thông báo tạm đóng cửa vì dịch bệnh từng xuất hiện vào ngày 5/2 tại khu vực cổng Phủ Tây Hồ đã... biến mất, thay vào đó những dãy xe máy xếp hàng dài trước cổng. Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết: “Không có tình trạng người dân vào trong Phủ, chỉ có 1 - 2 con nhang, đệ tử thôi”. Thông tin của Trưởng tiểu ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ hoàn toàn sai lệch với thực tế diễn ra tại cơ sở. Liên hệ với chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Đỗ Ngọc Long chia sẻ: “Chúng tôi đã có bảng thông báo, phát loa tuyên truyền nhưng người dân vẫn vào”.
Ở các cơ sở văn hóa tâm linh khác, để hạn chế người dân tập trung đông người, ngoài việc dán thông báo, biện pháp thường thấy là đóng cổng, bố trí lực lượng bảo vệ đứng cổng tuyên truyền cho người dân, vận động các hàng kinh doanh dịch vụ đồ lễ tạm đóng... Ngay sau khi phóng viên Kinh tế & Đô thị thông tin đến phường Quảng An và Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ, 15 giờ ngày 24/3, một hàng rào mềm đã được tạo ra ở cổng Phủ, người dân đến lễ đã không thể vào khuôn viên di tích nên tình trạng tụ tập đông người đã giảm hẳn. Thiết nghĩ, nếu công tác quản lý được thắt chặt ngay từ đầu, ý thức người dân cũng được chú trọng thì những sinh hoạt tín ngưỡng tụ tập đông người không phù hợp với tình hình dịch bệnh đã không xảy ra.