Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra tại Hà Nội chiều 3/3, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải.
Uớc tính ban đầu, đến nay lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%; du lịch thiệt hại 7 tỷ USD", ông Mai Tiến Dũng nói.
Nói về việc phòng chống dịch COVID-19, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh phải kiên quyết áp dụng cách ly tập trung, không để lây lan dịch từ bên ngoài vào.
“Nếu để một ca nhiễm bệnh vào Việt Nam và để xảy ra lây chéo thì sẽ rất khó kiểm soát”, ông Dũng nói.
Ông nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để rơi vào bị động. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị dịch bệnh; tập trung tái cơ cấu sản xuất; đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong tình hình dịch bệnh, tránh thanh toán trực tiếp mà đẩy mạnh thanh toán trực tuyến.
Một tin tốt lành cho ngành du lịch là Việt Nam lọt top 10 điểm nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới năm 2020 với nền văn hóa đa dạng và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khách du lịch đến Việt Nam giảm đáng kể.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Các bộ ngành, địa phương được yêu cầu "tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra".
Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì việc trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với COVID-19.
Theo ông Mai Tiến Dũng, tinh thần chung của chỉ thị là phải giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay; trong đó các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính hướng vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.
Hiện Việt Nam chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị sẵn kịch bản, phương án và đối sách với các tình huống của dịch bệnh.