Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT), tính đến ngày 4/8, mưa lũ làm chết 6 người (Thanh Hóa: 3 người, Bắc Kạn: 1 người; Điện Biên: 1 người; Sơn La: 1 người) và làm 14 người mất tích (Thanh Hóa: 12 người, Điện Biên: 1 người; Phú Thọ: 1 người).
Hình ảnh bản Sa Ná (xã Na Mèo, Thanh Hóa) tan hoang sau lũ dữ.
Chiều 4/8, ông Cầm Bun Păn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La, cho biết địa phương này thiệt hại khoảng 3,7 tỉ đồng. Thiệt hại nặng nhất là hệ thống đường giao thông trên tuyến QL9, QL6 có hàng chục điểm sạt lở đất đá. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, trong sáng 4/8 tiếp tục xảy ra sạt lở đá trên QL3 đoạn qua thôn Bản Giác, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, lũ cuốn trôi và vùi lấp 59 ngôi nhà; hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị cuốn trôi; các tuyến QL15, 15C, 217, 16 bị sạt lở hơn 100 điểm với khối lượng đất đá bị sạt lở lên tới trên 31.000 m3. Ước tính thiệt hại khoảng 136 tỉ đồng.
Ngoài ra, ảnh hưởng do bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng ở khu vực miền Tây Nam bộ. Chiều 3/8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), sóng lớn cùng nước biển dâng cao đánh liên tiếp gây sạt lở thân đê một đoạn dài trên 300 m.
Tại Kiên Giang, trong ngày 4/8 tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại trên diện rộng. Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong 2 ngày qua, toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 200 căn nhà bị thiệt hại, trong đó 6 căn bị cuốn trôi ra biển, 49 căn sập hoàn toàn, 76 căn tốc mái, 63 căn bị ngập nước. Ước tổng thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.
Chiều 4/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang kêu gọi các phương tiện trên biển ứng cứu 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị chết máy, trôi dạt trên biển ngoài khơi Phú Yên.
Tại cuộc họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3. Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích.
Đồng thời, tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án ứng phó.
Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.
Xử lý môi trường, phòng tránh dịch bệnh ở vùng lũ: Để phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mưa bão, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ lụt, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Cục Y tế dự phòng cho biết, ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão, như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, như dịch tả, lỵ, thương hàn… Tuy nhiên, người dân cần chủ động bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
Ngành y tế các địa phương hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất.