Vào lúc 4 giờ ngày 2/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 820 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 12. Bão có một quá trình suy giảm cấp đáng kể trong thời gian quần thảo trên đất liền Philippines.
Khu vực nằm trong bán kính 180 km tính từ tâm bão có nguy cơ chịu gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Hướng đi của cơn bão số 10.
Ngày và đêm nay, bão đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h. Rạng sáng 3/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 340 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Sau đó, hình thái này giữ nguyên vận tốc nhưng đổi hướng, đi theo hướng tây. Sáng 4/11, tâm bão cách đất liền tỉnh Quảng Nam 310 km, cách Quảng Ngãi và Bình Định 240 km, cách Phú Yên 260km . Sức gió lại mạnh lên cấp 9, giật cấp 12.
Ngày và đêm 4/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, giảm vận tốc xuống còn 10 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, trong suốt hành trình trên Biển Đông, bão Goni không thay đổi cường độ, duy trì ở 85 km/h, tương đương cấp 9, giật cấp 11.
Tâm bão có thể quét thẳng qua phần đất liền giao giữa Quảng Ngãi và Bình Định sáng 5/11 với sức gió không đổi. Hoàn lưu bão trải rộng khắp các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Còn thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, nhận định khi vào Biển Đông, bão gặp các điều kiện bất lợi nên khó có thể mạnh lên.
Tổ hợp các điều kiện đó gồm: Nhiệt độ mặt nước biển lạnh, không khí khô, hoàn lưu bão nhỏ, đồng thời Goni tương tác với một cơn bão khác tên Atsani ngoài khơi Philippines. Do đó, bão không có khả năng tái cấu trúc lại và mạnh lên như bão số 9.
"Bão sẽ đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm trong suốt thời gian đi trên Biển Đông. Nên khi cập bờ, cường độ của bão chỉ duy trì ở cấp 8-9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Kiên dự báo.
Dù vậy, ảnh hưởng của hoàn lưu bão có thể gây một đợt mưa lớn cho miền Trung trong ngày 4-6/11.